Công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số của Đảng bộ tỉnh Sơn La
Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng đảng năm 2016 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La.

Sơn La là một tỉnh miền núi cao thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái 54,67%, Mông 12%, Mường 8%, còn lại là các dân tộc khác. Đảng bộ Sơn La có 18 đảng bộ trực thuộc, 998 tổ chức cơ sở đảng, 4.750 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, với 72.127 đảng viên. Nhiều năm trước đây, công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Sơn La gặp khó khăn. Năm 2006, toàn tỉnh có 76 bản, 6 trường học và 4 trạm y tế chưa có đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Nghị quyết số 03-NQ/BTV ngày 10-2-2006 “về phát triển Đảng ở bản, trường học, trạm y tế chưa có đảng viên và tổ chức đảng”, từ đó công tác phát triển đảng viên trong toàn tỉnh có những chuyển biến tích cực.

Với chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy và sự triển khai tổ chức thực hiện tích cực, đồng bộ của các cấp ủy cơ sở về công tác phát triển đảng viên, năm 2015, toàn Đảng bộ tỉnh Sơn La đã kết nạp hơn 3.600 đảng viên; thành lập mới 19 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 7 chi bộ cơ sở; nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh lên hơn 73.300 đảng viên, sinh hoạt tại 1.000 tổ chức cơ sở đảng với 4.780 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Đến tháng 7-2015, toàn tỉnh Sơn La có 47.183 đảng viên là người DTTS, tăng 14,5% so với năm 2010, chiếm 65% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.

Từ thực tiễn công tác phát triển đảng viên là người DTTS của tỉnh Sơn La những năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, tạo thống nhất trong cấp uỷ các cấp về ý nghĩa của công tác phát triển đảng viên, phân công cấp ủy, đảng viên phụ trách công tác phát triển đảng viên. Mỗi tổ chức đảng phải coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Các cấp uỷ, tổ chức đảng và mọi đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục, phát hiện, tạo nguồn bồi dưỡng phát triển đảng viên, nhất là ở những thôn, xóm, bản, tổ nhân dân, vùng đồng bào dân tộc ít người còn ít đảng viên. Cấp uỷ các cấp phải cụ thể hoá bằng kế hoạch hằng năm với các chương trình cụ thể, có các giải pháp thiết thực, phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị. Cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo các cấp uỷ cơ sở rà soát, thống kê số lượng đảng viên các thôn, bản, tổ nhân dân, trường học để làm cơ sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển đảng viên. Lấy kết quả công tác phát triển đảng viên ở các tổ chức đảng có nguồn bồi dưỡng, phát triển đảng viên làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng.

Hai là, tạo nguồn phát triển đảng viên từ phong trào lao động sản xuất, học sinh, sinh viên, dân quân, tự vệ và lực lượng dự bị động viên

Thực tế cho thấy, việc tạo nguồn phát triển đảng viên là nông dân tại các thôn, bản ở các tỉnh miền núi rất khó khăn. Bởi vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng bồi dưỡng, kết nạp đảng viên những quần chúng ưu tú đang sinh sống, gắn bó lâu dài ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và mở rộng đối tượng tạo nguồn trong học sinh, sinh viên là con em các DTTS trong các nhà trường đóng tại địa phương. Cùng với đó, các cấp ủy lãnh đạo chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư nhằm phát hiện và lựa chọn và bồi dưỡng những hạt nhân tiêu biểu, những gương điển hình tiên tiến tạo nguồn phát triển đảng viên. Đối với các thôn, bản chưa có đảng viên, cấp ủy cấp trên cơ sở cử các đảng viên có kinh nghiệm, am hiểu phong tục của đồng bào về công tác ở địa phương làm hạt nhân gây dựng phong trào, tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục quần chúng tạo nguồn phát triển đảng viên. Các tổ chức đảng cần chú trọng giáo dục, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên trong con em gia đình có truyền thống cách mạng, thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp về công tác ở địa phương, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên...

Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác phát triển đảng viên là người DTTS. Đối tượng bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên là người DTTS nói riêng phần lớn là các hội viên, đoàn viên của các đoàn thể chính trị xã hội, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Bởi vậy, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên là người DTTS không thể không phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội. Các tổ chức này cần phát huy vai trò trong tạo việc làm cho đoàn viên, hội viên, hỗ trợ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; đẩy mạnh các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới… Cùng với quá trình đó, các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức và hoạt động của các đoàn thể, trên cơ sở đó tiến hành các khâu của công tác phát triển đảng viên.

Bốn là, tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị cho quần chúng là người DTTS.

Những năm qua, Tỉnh ủy Sơn La luôn xác định, để làm tốt công tác phát triển đảng viên là người DTTS, việc xây dựng động cơ phấn đấu vào Đảng trên cơ sở nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng cũng như đạo đức, lối sống cho quần chúng ưu tú là nhiệm vụ trung tâm của các cấp ủy đảng. Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, nhất là các trường chính trị và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, đội ngũ giáo viên nêu cao trách nhiệm, tìm tòi đổi mới nội dung phương pháp tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… cho quần chúng trong các cộng đồng dân cư, nhất là trong các đoàn viên, hội viên của các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là các đối tượng tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức chính trị cho đối tượng Đảng phải được tiến hành đồng bộ về nội dung, phong phú về hình thức giúp quần chúng ưu tú dần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, hoàn thiện nhân cách; xây dựng niềm tin, tình cảm, ý chí, nghị lực, tinh thần vì cộng đồng, xây dựng bản, làng phát triển đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.

Năm là, phát huy vai trò của trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng lựa chọn nguồn phát triển đảng viên

Trong cộng đồng người DTTS Sơn La, tiếng nói, việc làm của trưởng bản, người có uy tín và tác động mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong công tác phát triển đảng viên những năm qua, cấp ủy, chi bộ các thôn, bản đã cùng với trưởng bản và người có uy tín lựa chọn nguồn, định hướng nhận thức và hành động cho các thanh niên ưu tú, các quần chúng tích cực vào các phong trào, hỗ trợ họ trong sản xuất - kinh doanh, tạo niềm tin, sự hứng khởi và tự giác phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Dưới sự giúp đỡ của cấp ủy, chi bộ thôn bản, được trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng ủng hộ và động viên, các đảng viên trẻ người người DTTS không chỉ là hạt nhân chính trị tại các thôn bản, họ còn là những tấm gương tiêu biểu trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo trong các thôn bản vùng miền núi Tây Bắc.

Đinh Minh Khanh 

Trường Chính trị tỉnh Sơn La

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất