Trà Vinh ban hành Đề án “Tạo nguồn, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh”

Ngọc Thảo Ban Tổ chức Trung ương

Các đại biểu bỏ phiếu bầu BCH Đảng bộ xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: TL.
Thực trạng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số
Hiện nay, cán bộ nữ trong hệ thống chính trị tỉnh Trà Vinh có 11.402 đồng chí, chiếm tỷ lệ 53,5%, trong đó, cán bộ nữ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý là 1.382 đồng chí, chiếm tỷ lệ 12,12% (cấp tỉnh 246 đồng chí, chiếm 17,8%; cấp huyện 441 đồng chí, chiếm 31,91%; cấp xã 695 đồng chí, chiếm 50,28%).
Đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiếu số của Trà Vinh chủ yếu là người Khmer trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở là 4.443 đồng chí, chiếm tỷ lệ 20,8%, trong đó, cán bộ người dân tộc Khmer giữ chức danh lãnh đạo, quản lý là 560 đồng chí, chiếm 12,6% (cấp tỉnh 78 đồng chí, chiếm 13,92%; cấp huyện 133 đồng chí, chiếm 23,75%; cấp xã 349 đồng chí, chiếm 62,32%). Trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ, chuyên môn, năng lực thực tiễn, ý thức trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc Khmer ở đây không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, một số ngành, địa phương, đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số vẫn còn ít, nhất là tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc bố trí giữ chức danh lãnh đạo, quản lý còn thấp, chất lượng có mặt chưa cao; một số cấp uỷ, người đứng đầu chưa thật sự quan tâm đúng mức công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc; công tác nhận xét, đánh giá cán bộ ở một số đơn vị chưa thực hiện tốt, chưa mạnh dạn giao việc để cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thử thách, rèn luyện và trưởng thành. Bên cạnh đó, một số cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số tuy được đào tạo, bồi dưỡng nhưng năng lực, kinh nghiệm thực tiễn công tác có mặt còn hạn chế, chưa tương xứng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý để đưa vào quy hoạch, tinh thần phấn đấu vươn lên chưa cao…
Mục đích, yêu cầu và mục tiêu của Đề án
Việc xây dựng Đề án “Tạo nguồn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh” giúp cho các cấp ủy, các ngành nâng cao vai trò, trách nhiệm, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề ra biện pháp tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức nỗ lực phấn đấu vươn lên đối với cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc; trên cơ sở đó xem xét quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành nhằm tăng tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đề án hướng tới thực hiện việc bố trí cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc giữ chức danh lãnh đạo, quản lý đến nhiệm kỳ 2025-2030 đạt và vượt quy định của Trung ương, nhất là trong BCH, BTV cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp, mục tiêu cụ thể như sau:
Đối với cấp tỉnh: Trong BTV Tỉnh ủy, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ 20% trở lên, cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 15% trở lên; chức danh thường trực cấp ủy hoặc HĐND hoặc UBND tỉnh có ít nhất 1 cán bộ nữ, 1 cán bộ người dân tộc thiểu số. Trong BCH Đảng bộ tỉnh, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số cùng đạt tỷ lệ 15% trở lên. Trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ 30%, cán bộ người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 20%.
Đối với cấp huyện: Trong BTV huyện ủy, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số cùng đạt tỷ lệ 15% trở lên. Trong BCH đảng bộ huyện, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ 15% trở lên, huyện có trên 30% dân số là người dân tộc Khmer thì cán bộ người dân tộc Khmer chiếm từ 15% trở lên, huyện có từ 20% đến 30% dân số là người dân tộc Khmer thì có từ 5 đến 7 cấp ủy viên là người dân tộc Khmer. Các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND huyện, có ít nhất 1 cán bộ nữ hoặc 1 cán bộ người dân tộc Khmer (huyện và tương đương có trên 30% dân số là người dân tộc Khmer thì trong Thường trực HĐND, UBND phải có 1 cán bộ người dân tộc Khmer). Trưởng, phó phòng và tương đương thuộc cấp huyện, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ 25%, cán bộ người dân tộc chiếm tỷ lệ 15% trở lên.
Đối với cấp xã: Phấn đấu cán bộ nữ chiếm tỷ lệ 15% trở lên. Xã và tương đương có trên 30% dân số là người dân tộc Khmer thì cán bộ người dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ từ 15% trở lên; xã có dưới 20% dân số là người dân tộc Khmer thì có từ 5 đến 7 cấp ủy viên là người dân tộc Khmer. Cán bộ chuyên trách cấp xã, phấn đấu cán bộ nữ chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên, cán bộ người dân tộc chiếm tỷ lệ 25% trở lên. Công chức cấp xã, phấn đấu cán bộ nữ từ 30% trở lên, cán bộ người dân tộc từ 25% trở lên.
Giải pháp xây dựng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số
Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý, chỉ đạo thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ theo quy định, bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc trước mắt và lâu dài. Khi cần thiết, cấp ủy cấp trên có thể chỉ định cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc để quy hoạch cho cấp dưới; thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giới thiệu những nhân tố mới là cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc có triển vọng để xem xét bổ sung vào quy hoạch cán bộ đối với từng cấp.
Chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức, viên chức là cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc nói riêng, nhất là cán bộ trong quy hoạch đạt chuẩn cả về nghiệp vụ, chuyên môn và lý luận chính trị theo mục tiêu Đề án đề ra. Quan tâm đào tạo sau đại học đối với các cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc được đánh giá có năng lực nổi trội, uy tín, triển vọng phát triển tốt.
Quan tâm đến chất lượng công tác giảng dạy của các trường dân tộc nội trú để tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc. Tạo điều kiện cho con em người dân tộc, nhất là những sinh viên mới ra trường được tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan, đơn vị theo đúng chuyên ngành đào tạo nhằm phát huy tốt năng lực, trí tuệ của thế hệ trẻ người dân tộc, góp phần tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ kế cận. Nghiên cứu ban hành chính sách ưu tiên về tuyển dụng hoặc thi nâng ngạch công chức cho đối tượng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc; thực hiện chế độ cử tuyển trong đào tạo, tuyển dụng và bổ nhiệm công chức là nữ, người dân tộc.
Hằng năm, khi tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức có quy định rõ tỷ lệ nữ, người dân tộc. Phấn đấu từng bước tăng hợp lý tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc trong cấp ủy, thường vụ cấp ủy và đại biểu HĐND là người dân tộc ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer; bố trí cán bộ người dân tộc ở những ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với nhân dân là người dân tộc Khmer.
Đối với những cơ quan, đơn vị mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý không có cán bộ, công chức, viên chức nữ, người dân tộc thì từ nay đến năm 2030, khi bố trí, bổ nhiệm cán bộ, công chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý phải ưu tiên chọn cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Nếu cơ quan, đơn vị không có nguồn để bố trí thì thực hiện quy hoạch tạo nguồn từ nơi khác đến để đến năm 2030 đạt chỉ tiêu theo quy định. Củng cố, kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ, người dân tộc khi có sự thay đổi và tiếp tục bố trí, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ở những nơi còn thiếu để bảo đảm hoạt động hiệu quả.
Tăng cường luân chuyển cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thuộc diện quy hoạch từ tỉnh về huyện, từ tỉnh, huyện về xã giữ các chức danh chủ chốt hoặc trưởng, phó phòng cấp huyện để rèn luyện, nâng cao năng lực thực tiễn. Đối với cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc, xét thấy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì xem xét từng trường hợp cụ thể để thực hiện việc đề bạt, bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử, bầu cử giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý đã được quy hoạch.
Cùng với việc ban hành Đề án, Tỉnh ủy Trà Vinh đã giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và các ngành liên quan hằng năm có trách nhiệm tham mưu Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy chọn nguồn cán bộ nữ, cán bộ dân tộc đưa vào quy hoạch và rà soát, bổ sung quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với chuẩn bị nhân sự cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc cho BCH Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ tiếp theo đạt tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc theo mục tiêu đề ra. Đồng thời, Tỉnh ủy cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị hằng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sát với thực tế cũng như nhu cầu bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất