Hà Giang ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh năm 2020. Ảnh: TL.

Sự cần thiết ban hành Đề án

Những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn tích cực, chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh đã có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, có trình độ lý luận, kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hiện nay, Hà Giang có 4.920 cán bộ là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó: Cán bộ lãnh đạo, quản lý diện BTV Tỉnh ủy quản lý là 384 đồng chí (trình độ chuyên môn: Trên đại học chiếm 43,75%; đại học, cao đẳng chiếm 56,25%; trình độ lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp lý luận chính trị là 100%). Cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện là 2.943 đồng chí (trình độ chuyên môn: Trên đại học chiếm 14,13%; đại học chiếm 83,35%; cao đẳng, trung cấp chiếm 2,54%; trình độ lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp lý luận chính trị chiếm 29,3%, trung cấp lý luận chính trị chiếm 63,4%). Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã là 1.977 đồng chí (trình độ chuyên môn: Trên đại học chiếm 1,72%; đại học chiếm 80,07%; cao đẳng, trung cấp chiếm 18,21%; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp lý luận chính trị chiếm 5,41%, trung cấp lý luận chính trị chiếm 83,46%).

Nhìn chung, tỉnh đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ cơ bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từng bước đáp ứng yêu cầu cầu sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh chưa thực sự gắn kết với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chức danh và vị trí việc làm; với yêu cầu, tiêu chuẩn và quy hoạch, sử dụng cán bộ. Nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng chậm đổi mới, bổ sung, còn trùng lặp; chất lượng, hiệu quả đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức mới, ngoại ngữ hay kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa thường xuyên. Một bộ phận cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng nhưng vẫn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, không đủ trình độ để vận dụng kiến thức được học vào giải quyết công việc thực tiễn.

Từ thực trạng nêu trên, việc ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời gian qua, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý mang tầm chiến lược lâu dài, bền vững, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Mục tiêu của Đề án

Đề án có mục tiêu là để đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có chất lượng cao, chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với sự phát triển của địa phương; số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao vững vàng giữa các thế hệ cán bộ; đào tạo được đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nổi trội trong thực hiện nhiệm vụ; cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế…

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và đến năm 2030: 100% cán bộ là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. 90% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên (đến năm 2030 phấn đấu đạt 100%). 60% cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý có trình độ chuyên môn sau đại học. 15% cán bộ là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ các cấp được bồi dưỡng về ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế (đến năm 2030 phấn đấu đạt 25%). 100% cán bộ là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới. 100% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý diện các sở, ngành, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quản lý có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, trong đó, 50% có trình độ cao cấp lý luận chính trị (đến năm 2030, phấn đấu 70% có trình độ cao cấp lý luận chính trị). 100% cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được bồi dưỡng theo vị trí chức danh.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án

Đề án xác định 3 nhóm nhiệm vụ: 1) Đào tạo nâng cao năng lực cho cấp ủy viên và cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cấp; trong đó, bao gồm đào tạo trình độ lý luận chính trị và đào tạo trình độ chuyên môn đại học và sau đại học. 2) Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, gồm bồi dưỡng cho cán bộ nguồn quy hoạch cấp ủy viên các cấp; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ theo vị trí chức danh cấp ủy viên, cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ theo vị trí chức danh cấp ủy viên, cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế. 3) Nâng cao năng lực, hạ tầng đào tạo, bồi dưỡng của địa phương, gồm: Xây dựng, ban hành, quản lý chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã thuộc quyền quản lý, đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo. Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về các chuyên ngành, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; đào tạo bổ sung, cập nhật các kiến thức, kỹ năng giảng dạy cho giảng viên Trường Chính trị tỉnh và giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố.

Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, Đề án đưa ra 4 nhóm giải pháp chủ yếu sau: (1) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng. (2) Đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng chức danh cán bộ. (3) Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. (4) Kiện toàn hệ thống cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu, tham mưu về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Tổ chức thực hiện

Để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Đề án đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho 6 nhóm đầu mối cơ quan chủ trì, gồm: Ban Cán sự đảng UBND tỉnh; Đảng đoàn HĐND tỉnh; Ban Tổ chức Tỉnh ủy; các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; Trường Chính trị tỉnh; Đảng ủy Khối Cơ quan - doanh nghiệp tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện ủy, thành ủy. Theo đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ngoài các nhiệm vụ chuyên môn được phân công còn chủ trì tham mưu với BTV Tỉnh ủy để sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án, định kỳ hằng năm báo cáo BTV Tỉnh ủy công tác triển khai Đề án, đề xuất điều chỉnh nội dung Đề án nếu cần thiết.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất