Một số giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ Học viện Tài chính

ThS. Bùi Văn Tiên Học viện Tài chính

Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Tài chính lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 (Ảnh: Học viện Tài chính).

Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Tài chính lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 (Ảnh: Học viện Tài chính).

Thực trạng chất lượng sinh hoạt chi bộ

Báo cáo số 255-BC/ĐUHV, ngày 16-11-2021 của Đảng ủy Học viện về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/ĐUK của Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương về “Nâng cao chất lượng chi bộ trong Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương” xác định: “Việc tổ chức sinh hoạt tại các chi bộ luôn đạt chất lượng tốt, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ luôn đạt trên 90% số lượng đảng viên của mỗi chi bộ; không có đảng viên vắng mặt không có lý do cũng như không có đảng viên vắng mặt quá 3 kỳ sinh hoạt chi bộ/năm; thời gian sinh hoạt từ 90 đến 120 phút/kỳ họp; các ý kiến tham gia phát biểu có trách nhiệm tốt, đi thẳng làm rõ các vấn đề chủ tọa gợi ý thảo luận, bình quân có có 4 ý kiến/buổi sinh hoạt... Trên cơ sở Hướng dẫn của Đảng ủy Bộ Tài chính và Đảng ủy Học viện Tài chính, nội dung sinh hoạt tại các chi bộ được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Nội dung sinh hoạt được chuẩn bị kỹ lưỡng, gắn nội dung sinh hoạt chi bộ với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị theo Hướng dẫn số 1146-HD/ĐUTC của Đảng ủy Bộ Tài chính với giải quyết những vấn đề đặt ra tại đơn vị mình có liên quan trực tiếp đến công tác giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học; phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ của đảng viên làm cho chất lượng sinh hoạt chi bộ chuyển biến một cách tích cực. Kết quả đánh giá, phân loại chi bộ và đảng viên giai đoạn 2017-2022 cho thấy, tỷ lệ chi bộ và đảng viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ luôn đạt tỷ lệ cao (20% theo quy định), không có chi bộ hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó thấy được việc duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ góp phần nâng cao chất lượng chi bộ và sinh hoạt đảng tại chi bộ.

Tuy nhiên, với đặc thù là một đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với cơ cấu tổ chức bao gồm các khoa, ban, viện, trung tâm nên việc lựa chọn thời gian tổ chức sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ Học viện chưa có sự thống nhất và đồng đều giữa các chi bộ. Một số chi bộ lựa chọn sinh hoạt vào tuần đầu tiên của tháng, nhưng cũng có chi bộ bộ lại lựa chọn sinh hoạt vào tuần cuối của tháng để phù hợp với với việc triển khai các nhiệm vụ của chi bộ và đơn vị. Do đó, thời gian sinh hoạt giữa các chi bộ chưa có sự đồng điệu, thống nhất. Bên cạnh những chi bộ duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt, qua nghiên cứu, vẫn còn chi bộ duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt chưa nghiêm. Chất lượng chuẩn bị cho sinh hoạt chi bộ ở một số chi bộ chưa thực sự tốt, bí thư cùng lúc phải thực hiện nhiều công việc, chưa biết phát huy sức mạnh của tập thể của chi ủy; mặt khác, ở một số chi bộ còn lúng túng trong phân công làm công tác chuẩn bị.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Một là, nâng cao nhận thức của chi bộ, chi ủy hoặc đồng chí bí thư, phó bí thư chi bộ về vai trò, mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ

Chi ủy, chi bộ tiếp tục quán triệt sâu sắc đến toàn thể đảng viên và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư (khóa X) về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII). Đặc biệt cần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/ĐUK của Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương; Hướng dẫn số 1146-HD/ĐUTC của Đảng ủy Bộ Tài chính về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ Bộ Tài chính và Công văn số 184-CV/ĐUHV ngày 9-7-2019 của Đảng ủy Học viện Tài chính về việc thực hiện hướng dẫn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ Học viện… cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, văn bản chỉ đạo để chi ủy chi bộ nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, triển khai đến đảng viên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng, của chi bộ, ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ và yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong chi bộ để đảng viên đóng góp trí tuệ, công sức vào hoạt động của chi bộ.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ

Nội dung sinh hoạt định kỳ cần cụ thể, thiết thực, sát với nhiệm vụ của đơn vị. Do vậy, việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt định kỳ phải thực sự chu đáo, hiệu quả, tránh hình thức. Chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi không có chi ủy), trước hết là bí thư chi bộ phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để lựa chọn đúng, trúng nội dung sinh hoạt, bảo đảm tính toàn diện, xác định đúng những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần lãnh đạo, chỉ đạo, tránh trùng lặp giữa nhiệm vụ công tác đảng và nhiệm vụ công tác chuyên môn.

Chi ủy, chi bộ họp thống nhất về nội dung phân công người chuẩn bị nội dung, xác định thời gian và lựa chọn hình thức sinh hoạt cho phù hợp - sinh hoạt nhiều nội dung hay đi sâu một vấn đề, tùy mức độ quan trọng của nội dung sinh hoạt. Đây là công việc tác động mạnh nhất đến thành công của buổi sinh hoạt chi bộ. Với buổi sinh hoạt thường kỳ thông thường thì có thể chỉ mình đồng chí bí thư chuẩn bị. Với những buổi sinh hoạt chuyên đề, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp thì có thể phải được phân công cụ thể cho từng đảng viên trong chi bộ hoặc mời người có chuyên môn để đảm bảo chất lượng buổi sinh hoạt chi bộ. Khi đó, cấp ủy, chi bộ thông báo trước nội dung quan trọng có thể thông báo trước và kèm thêm bản kế hoạch chi tiết thì đầu tiên có thời gian nghiên cứu khi ra cuộc họp tập trung, chất lượng.

Về nội dung sinh hoạt chuyên đề, chi bộ cần lựa chọn chuyên đề phù hợp, sát với tình hình thực tế của chi bộ, tập trung vào các vấn đề, như: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các giải pháp nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên; việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị; việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy chi bộ

Chi ủy cần thường xuyên quan tâm tạo nguồn, củng cố, kiện toàn cấp ủy, nhất là bí thư chi bộ bảo đảm số lượng, chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực tổ chức thực hiện. Hằng năm, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng về nội dung nghiệp vụ công tác đảng và tập huấn chuyên đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đồng thời thực hiện tốt công tác đảng viên trên cả 3 mặt: Công tác giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; công tác quản lý đảng viên và công tác phát triển đảng viên. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư; Hướng dẫn số 02-HD/BTCTW, ngày 12-4-2021 của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; quán triệt thực hiện nghiêm túc Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021 của BCH Trung ương về những điều đảng viên không được làm… Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiên trì, kiên quyết, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bốn là, nâng cao kỹ năng điều hành sinh hoạt chi bộ đối với cấp ủy chi bộ

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng chuẩn bị, điều hành sinh hoạt chi bộ đối với đội ngũ chi ủy chi bộ một cách toàn diện, cụ thể. Hướng dẫn 12-HD/BTCTW ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ xác định 5 tiêu chí khung để làm cơ sở ban hành tiêu chí đánh giá một buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ đạt chất lượng. Trong đó có tiêu chí công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ. Do đó, người điều hành buổi sinh hoạt chi bộ cần có các kỹ năng, từ khâu chuẩn bị nội dung, chương trình hội nghị sinh hoạt, đến việc thông tin, điều hành thảo luận, tổng hợp và đưa ra kết luận. Ngoài ra cần có kỹ năng nắm tình hình và rút kinh nghiệm sau sinh hoạt chi bộ để điều hành sinh hoạt chi bộ đạt hiệu quả cao nhất.

Năm là, phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ gắn với kỷ luật phát ngôn của đảng viên

Trước khi sinh hoạt chi bộ, các đồng chí trong chi ủy hoặc đồng chí bí thư chi bộ phải chuẩn bị thật chu đáo nội dung cuộc họp, theo trình tự - đây là nội dung quan trọng để góp phần thành công của buổi sinh hoạt chi bộ. Một số nội dung cần chú trọng như: Đánh giá tình hình tư tưởng và diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong chi bộ; về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ trong tháng; tình hình đảng viên thực hiện chủ trương, nghị quyết của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các nhiệm vụ được cấp trên và chi bộ phân công. Đánh giá tình hình đảng viên thực hiện phương hướng vận động học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và các tiêu chuẩn phấn đấu của tập thể. Qua đó nêu gương những đảng viên tiêu biểu gương mẫu, phê bình góp ý những đảng viên còn hạn chế thiếu sót chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Sáu là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Hằng năm, Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nền nếp chế độ sinh hoạt; việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi ủy cấp dưới và chi bộ, nhất là nội dung chuẩn bị của chi ủy; sổ biên bản sinh hoạt chi ủy, chi bộ. Sau kiểm tra, giám sát phải thông báo kết luận kiểm tra, giám sát để các chi bộ biết, đồng thời có các giải pháp, hình thức phù hợp để trao đổi kinh nghiệm, biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt để nhân rộng và phát động thi đua giữa các chi bộ, kịp thời chấn chỉnh chi bộ còn hạn chế, xem xét xử lý đối với bí thư chi bộ để chi bộ yếu kém. Đảng ủy Học viện cần thực hiện kiểm tra, giám sát sinh hoạt ở tất cả các chi bộ trực thuộc trước khi đánh giá, phân loại chất lượng chi bộ hằng năm. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất