Văn kiện chính trị quan trọng nhất về bảo đảm quyền con người tại ASEAN
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR). (Nguồn: baoquocte.vn)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR). (Nguồn: baoquocte.vn). 

Đặt con người làm trung tâm gắn kết Cộng đồng

Tuyên bố Nhân quyền ASEAN năm 2012 là văn kiện đầu tiên đánh dấu hợp tác nhân quyền ở khu vực, là thành tựu của cơ chế Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR). Sau 10 năm, ASEAN đã rất nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu vững chắc.

Về thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm tiến bộ về mọi mặt của QCN: Trong 10 năm qua, việc tập trung thực hiện 4 nhóm QCN trong Tuyên bố của ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là việc bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em; quyền của người khuyết tật; quyền được giáo dục, chăm sóc sức khỏe; quyền có nhà ở; quyền tham gia chính trị và sống trong hòa bình cũng như xóa đói giảm nghèo; nỗ lực chống nạn buôn bán người; chống tham nhũng, cải thiện và củng cố các thể chế nhân quyền quốc gia, tăng cường giáo dục nhân quyền.

Điều này được thể hiện rõ ở những văn bản quan trọng của ASEAN như: Hiến chương ASEAN; các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng trên 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, văn hoá xã hội; Kế hoạch hành động của ASEAN đến năm 2025, các tuyên bố chung đưa ra tại các Hội nghị cấp cao ASEAN…

Dưới tinh thần của Tuyên bố, thông qua cơ chế điều phối về QCN, các nước ASEAN đối thoại minh bạch và cởi mở; thảo luận, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực tận dụng các cơ hội và giải quyết các thách thức trong lĩnh vực QCN một cách hợp tác, phù hợp và mang tính xây dựng. Các nước ASEAN đã cùng nhau ký kết Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Trong đó, cam kết người dân được hưởng đầy đủ các QCN cơ bản, với chất lượng cuộc sống cao hơn cùng các lợi ích mà tiến trình xây dựng cộng đồng mang lại.

Bên cạnh đó, năm 2009, ASEAN đã thành lập AICHR nhằm điều phối chung trong lĩnh vực QCN và từng bước hoàn thiện cơ chế này đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, ASEAN cũng luôn năng động và sáng tạo trong giải quyết, xử lý những vấn đề khu vực. Đặc biệt khi đại dịch COVID-19 bùng nổ từ năm 2020 đến nay, với tinh thần hướng tới người dân và đặt con người là trung tâm, ASEAN đã nhanh chóng gắn kết, chủ động thích ứng và triển khai nhiều giải pháp hiệu quả đối phó với đại dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, vật chất; đồng thời, nhanh chóng phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho các kịch bản dịch bệnh khác trong tương lai.

Về đối ngoại và kết nối với thế giới: ASEAN hiện có quan hệ đối tác đối thoại với 10 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, đồng thời đóng vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế, diễn đàn, hội nghị quan trọng của khu vực như ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)…

Lĩnh vực QCN luôn là nội dung quan trọng trong các chương trình nghị sự của ASEAN và đối tác. Đáng chú ý, ASEAN đã luôn nỗ lực củng cố, làm sâu sắc hơn cơ chế Đối thoại ASEAN - LHQ cũng như nâng tầm quan hệ với những đối tác, đối thoại khác. ASEAN luôn lắng nghe, gắn kết các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN trên 3 trụ cột cũng như thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ.

ASEAN đã thiết lập được cơ chế chính thức và thường xuyên duy trì đối thoại với LHQ, báo cáo đầy đủ về tình hình QCN cũng như tiếp thu những khuyến nghị của LHQ để xây dựng giải pháp đạt được tiến bộ mới trong khu vực.

Đặc biệt, đa số các nước ASEAN đều đã thực hiện khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về QCN (UPR), trong đó Việt Nam đã thực hiện 3 chu kỳ báo cáo. Việt Nam, In-đô-nê-xi-a cũng từng trúng cử ủy viên Hội đồng Nhân quyền LHQ và đóng góp tích cực, nhiều sáng kiến hiệu quả với cơ quan này.

Ngoài ra, ASEAN ngày càng thể hiện sự năng động, tích cực khi đóng góp khoảng 5.000 quân nhân, cảnh sát tham gia thực hiện các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ tại những nơi khó khăn, xung đột. Trong ASEAN, có 4 nước thuộc nhóm 10 quốc gia chịu tác động sâu sắc nhất từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, do đó, ASEAN rất tích cực triển khai các biện pháp để ngăn ngừa tác động tới sinh kế, đời sống của nhân dân; đa dạng hóa, làm sâu sắc hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông để chống biến đổi khí hậu…

Còn nhiều thách thức phía trước

Hiện nay, bên cạnh các kết quả đạt được sau tiến trình 10 năm hiện thực hóa Tuyên bố Nhân quyền ASEAN, ASEAN vẫn còn có những tồn tại, thách thức:

Về hoàn thiện các chính sách liên quan đến QCN và thu hẹp khoảng cách, khác biệt giữa các nước thành viên trong lĩnh vực này.

Đến nay, ASEAN chưa có văn kiện pháp lý mang tính ràng buộc về QCN. Hệ thống bảo vệ QCN vẫn còn nhiều điểm đặc thù so với trên thế giới, chủ yếu do khác biệt trong mức độ cam kết và hợp tác của từng nước thành viên. Điều này đã tạo ra khoảng cách tiến bộ về QCN giữa ASEAN và thế giới, sự khác biệt trong nhìn nhận một số nội dung về QCN trong nội bộ các nước ASEAN; là khó khăn để ASEAN hội nhập quốc tế về QCN mà vẫn giữ được bản sắc của các nước thành viên.

Trước mắt, ASEAN cần tiếp tục nội luật hóa các văn bản, nghị quyết quốc tế đã ký kết; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Quy chế của AICHR…; nâng cao hiệu quả hoạt động của AICHR, Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ (ACWC)…

Bên cạnh đó, sự chênh lệch trình độ phát triển (về giáo dục, y tế, thực phẩm, trợ cấp...), đa dạng tôn giáo, dân tộc, văn hóa và lịch sử phát triển của các nước là thách thức đối cũng như cơ hội đòi hỏi ASEAN đoàn kết, nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy QCN.

Về giải quyết các thách thức hiện có và những vấn đề mới nảy sinh trong lĩnh vực QCN.

Mặc dù ASEAN đã đạt nhiều tiến bộ QCN, nhưng nguy cơ thiếu bền vững đã trở thành thách thức, nhiệm vụ quan trọng cần ASEAN hướng tới trong các chương trình nghị sự, kế hoạch hành động chung...

Tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, thiếu lương thực, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng nhân đạo,… luôn hiển hiện. Bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.

Các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội cùng nhiều chỉ số khác về phát triển con người đứng trước nguy cơ thụt lùi. Trong đó, các nhóm dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, nổi lên những thách thức mới như bất bình đẳng trong tiếp cận in-tơ-nét; xâm hại QCN trên không gian mạng, vấn nạn trầm cảm, tự tử, di cư do biến đổi khí hậu, già hóa dân số tại nhiều nước…

Cuộc họp Uỷ ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) lần thứ 30.

Cuộc họp Uỷ ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) lần thứ 30. 

Hoạt động chống phá trên lĩnh vực nhân quyền của các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, cực đoan. 

Họ tăng cường đưa ra các báo cáo với thông tin sai lệch, làm giảm uy tín, thành quả tiến bộ QCN mà các nước ASEAN phải rất nỗ lực để đạt được, đặc biệt là các quyền tự do ngôn luận, báo chí, in-tơ-nét, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền của người dân tộc thiểu số…. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý ngại thay đổi của người dân, dịch COVID-19 để kích động chống đối các chủ trương, chính sách của các quốc gia ASEAN, chỉ trích các chính phủ vi phạm quyền tự do của người dân… Những hoạt động này đã phần nào tác động tiêu cực đến nhận thức của cộng đồng quốc tế về nỗ lực bảo đảm QCN của ASEAN.

Thách thức trước các điểm nóng về nhân quyền như cuộc khủng hoảng chính trị tại Mi-an-ma 2021. Điểm nóng này có nguyên nhân gốc rễ từ sắc tộc, tôn giáo, chính trị hoặc diễn ra ở các vùng lãnh thổ ly khai, tự trị có xung đột… vốn tồn tại từ lâu tại Đông Nam Á đã làm xói mòn nỗ lực và thành quả về QCN của Cộng đồng trong con mắt của quốc tế.

LHQ, Hội đồng Nhân quyền LHQ cùng các nước trên thế giới đều dành sự quan tâm đặc biệt và lên tiếng, gây sức ép, thậm chí tòa án quốc tế cũng vào cuộc để xử lý các vấn đề liên quan. ASEAN đã tích cực thực thi các nội dung trong “Đồng thuận 5 điểm” về vấn đề Mi-an-ma. Trong khi cuộc khủng hoảng liên quan đến người Rohingya chạy tỵ nạn khỏi Mi-an-ma (năm 2017) vẫn chưa chấm dứt và còn nhiều hệ lụy đến nay mà ASEAN, LHQ chưa thể giải quyết triệt để.

Tác động của hội nhập quốc tế, thách thức toàn cầu trong giải quyết các vấn đề liên quan đến QCN.

Bối cảnh thế giới, khu vực tác động ngày càng phức tạp, căng thẳng, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, đe dọa đến quyền con người như chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, xung đột, chạy đua vũ trang, cạnh tranh giữa các nước…. Đại dịch COVID-19 làm gia tăng những chia rẽ và bất bình đẳng, xóa bỏ thành tựu phát triển của thế giới nhiều năm qua.

Bạo lực và xung đột vũ trang tiếp tục nổ ra và diễn biến phức tạp, đe dọa hòa bình, an ninh và phát triển. Trong khi đó, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường tiếp tục là thách thức sống còn, tác động tới mọi quốc gia, mọi dân tộc. Tình hình nhân quyền trên phạm vi toàn cầu có chiều hướng xấu đi; hợp tác quốc tế về tiến bộ QCN gặp nhiều lực cản; các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ đứng trước nguy cơ khó đạt được... khiến tiến trình bảo vệ, bảo đảm QCN của ASEAN cũng không tránh khỏi các tác động tiêu cực.

Những năm gần đây, xung đột trên thế giới diễn ra ngày càng nhiều, qui mô cũng lớn hơn như bất ổn ở Trung Đông, cuộc chiến Nga - U-crai-na, căng thẳng Đài Loan… đã đẩy hàng triệu người vào cảnh không nhà cửa và mất việc làm.

Tính riêng năm 2021, đã có hơn 60 triệu người phải chạy tị nạn trên khắp thế giới. Xung đột và nguy cơ xung đột gián tiếp đẩy con số mua sắm vũ khí trên thế giới năm 2021 đạt kỉ lục 2.000 tỷ đô-la Mỹ. Nếu như một phần nguồn lực cho vũ khí được các nước, trong đó có ASEAN chuyển sang phát triển các lĩnh vực xã hội khác, thì các thách thức về QCN sẽ phần nào được đẩy lùi. Đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế, giá dầu mỏ tăng cao, tình trạng khan hiếm lương thực đã đẩy hàng trăm ngàn người về mức nghèo khổ, ước tính khoảng 600 triệu người trên toàn thế giới.

ASEAN đang ở thời khắc quan trọng để rà soát tiến trình 10 năm xây dựng Cộng đồng và chuẩn bị cho thập kỷ phát triển tiếp theo. Để xây dựng Cộng đồng thực sự hướng tới người dân, vì tiến bộ QCN, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, tiếp tục tận dụng các hợp tác quốc tế...

Tuyên bố Nhân quyền ASEAN năm 2012 là văn kiện chính trị quan trọng, sẽ tiếp tục là cam kết có ý nghĩa hàng đầu của Cộng đồng ASEAN để hướng tới người dân, là ngọn đèn soi sáng con đường tiến bộ QCN của khu vực trong nhiều thập kỷ tới.

Là thành viên năng động, tích cực trong Cộng đồng; được ASEAN tín nhiệm đề cử là ứng cử viên duy nhất của khối tham gia vào bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền, thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác giữa khu vực và Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng như thu hút sự ủng hộ và hợp tác của thế giới với ASEAN vì tiến bộ QCN của nhân loại.

Tuyên bố Nhân quyền ASEAN gồm 40 điều tập trung vào 4 nhóm quyền căn bản: dân sự và chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá, quyền phát triển và quyền hưởng hòa bình; được xây dựng phù hợp với Hiến chương LHQ, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, Chương trình Hành động Viên và các văn kiện quốc tế về QCN khác mà các quốc gia thành viên ASEAN đã tham gia. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất