Phát huy tối đa nhân tố con người trong năm bản lề 2023
Ngay

Trong mọi định hướng phát triển, Đảng đều xác định con người là trung tâm .

1. Để từng bước hiện thực hóa khát vọng, năm 2023 đang được giao phó sứ mệnh là năm đầu tiên thực hiện 3 Nghị quyết quan trọng đã được Hội nghị Trung ương 6 diễn ra vào cuối năm 2022 thông qua. Đó là Nghị quyết về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” và Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH).

Niềm tin cho việc hiện thực hóa khát vọng của cả dân tộc càng thêm vững chắc khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để bàn thảo và thống nhất cao với những nhận định, đánh giá về kết quả, thành tựu tiến hành CNH, HĐH đất nước; xác định một cách toàn diện, đồng bộ, hệ thống các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời quyết định ban hành nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Trung ương về vấn đề đặc biệt quan trọng này.

Người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tình hình mới; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước; là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể; bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với yêu cầu giữ gìn tiến bộ và công bằng xã hội, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ tài nguyên, môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động...”. Nghị quyết đầu tiên về CNH, HĐH lần này thể hiện rõ khát vọng, quyết tâm cao của Đảng, sẽ là kim chỉ nam để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới tạo động lực thúc đẩy CNH, HĐH đất nước.

Trong mọi định hướng phát triển, Đảng đều xác định con người là trung tâm. Mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân. Phát huy tối đa nhân tố con người - “nguồn lực của mọi nguồn lực”, chính là phát huy nguồn lực nội sinh quan trọng hàng đầu để làm chủ khoa học công nghệ, nắm bắt cơ hội phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số - nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, quyết định thành công của công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.

Trong những bài phát biểu quan trọng đề ra những định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh đến việc khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng, từng địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuyển đổi số phải thực sự thúc đẩy tăng trường, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn và hướng tơi việc hình thành công dân số, xã hội số, Chính phủ số. Và quan trọng nhất là để “người dân được thụ hưởng thực chất”. Muốn làm được điều đó, chính sách phải hướng đến người dân, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân.

2. Bước sang năm 2023, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển, để vượt qua được một thế giới đầy biến động, đòi hỏi không chỉ riêng sự chung sức đồng lòng, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra mà còn phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, các chính phủ, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước....       

Năm 2023, Việt Nam cũng bắt đầu đảm đương những nhiệm vụ quốc tế quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 77, thành viên Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022-2026… Từ ngày 1-1-2023, Việt Nam bắt đầu nhận nhiệm vụ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kì 2023-2025. Các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, nhất là liên quan đến nhóm dễ bị tổn thương, chống phân biệt đối xử, bình đẳng giới, quyền con người và biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, quyền sức khỏe, việc làm thỏa đáng, quyền giáo dục... bước đầu được nhiều nước ghi nhận tích cực.

Để tiếng nói của Việt Nam có trọng lượng trên các diễn đàn, ngoài việc nắm bắt và dự báo chắc tình hình, không có nỗ lực nào bằng việc chúng ta phải có sức mạnh nội tại. Sức mạnh của sự phát triển bằng tiềm lực kinh tế, an ninh, chính trị ổn định và một môi trường hòa bình để phát triển. Trong những năm qua, Việt Nam đã kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Bên cạnh “gia đình ASEAN”, Việt Nam cũng không ngừng mở rộng mạng lưới bạn bè thông qua các quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện. Đến nay, chúng ta đã thiết lập được 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, bao gồm tất cả các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực và các đối tác quan trọng khác. Cùng với sức mạnh nội lực và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế tạo nên nguồn lực để từng bước nắm bắt, tận dụng cơ hội để bứt tốc.

Thế giới bước vào 2023 với những dự cảm dè chừng về lạm phát và suy thoái. Dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022; lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực; thị trường bất động sản ở nhiều nước gặp khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước... Một số quốc gia đã có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế như Anh, Mỹ, Đức, I-ta-li-a... Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu trên toàn cầu gia tăng, cùng với đó là xung đột sắc tộc, tôn giáo...sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế, ngay cả các dự báo lạc quan gần đây nhất cũng phải thận trọng hơn.

2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vì thế mà càng nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với những quyết sách đúng, cách đi đúng, huy động trí tuệ, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân là bài học đã giúp chúng ta vượt qua những khó khăn được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Một năm mới, một mùa Xuân mới mang đến niềm vui, niềm tin mãnh liệt vào những quyết sách có tầm chiến lược, tin vào lộ trình đúng hướng mà chúng ta đang đi, tin vào quyết tâm làm trong sạch bộ máy, đẩy lùi tham nhũng, quan liêu, kích thích đổi mới và sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng đứng trong hàng ngũ các nước phát triển, bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, khẳng định uy tín và vị thế vững chắc của Việt Nam.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất