Gần Dân để kết nối vạn Dân




Bài 1: Những cấp ủy viên “a còng”


“CÁI NGHỊ QUYẾT DỄ VÀO”

Đó là nhận xét của ông Hoàng Văn Xoan, Bí thư chi bộ thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) khi được nghe báo cáo viên Trung ương truyền đạt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh truyền đạt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII bằng hình thức trực tuyến.

Không chỉ ở Tân Trào, 100% các xã, thị trấn của huyện Sơn Dương đã tổ chức được hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: “Trong quá trình học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết, ngoài việc triệu tập thành phần tham gia học tập trực tuyến do Trung ương và tỉnh tổ chức, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chủ động kết nối đường truyền đến các chi, đảng bộ cơ sở. Việc làm này giúp việc số lượng cán bộ, đảng viên tham dự lớn với nhiều đối tượng được triệu tập và có sức truyền tải thông tin nhanh, rộng khắp, tính thời sự cao; đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí, phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay. Việc chỉ đạo quán triệt nghị quyết không qua các tầng nấc sẽ bảo đảm được tính thống nhất về nội dung cũng như tư tưởng chỉ đạo trong toàn bộ hệ thống chính trị”.

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức hội nghị trực tuyến đến tận cấp xã như Sơn Dương là giải pháp hữu hiệu để vừa phòng, chống dịch vừa hoàn thành việc quán triệt, học tập Nghị quyết hiệu quả.

Hội nghị trực tuyến tổng kết trao giải cuộc thi "Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng" tại điểm cầu Tỉnh ủy Tuyên Quang.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh còn chỉ đạo tổ chức và dự sinh hoạt chi bộ, đảng bộ trực tuyến tại 18 điểm cầu của 18 chi bộ, đảng bộ trực thuộc. Việc tổ chức học tập nghị quyết trực tuyến và sinh hoạt chi bộ trực tuyến đã tạo nên sự chuyển biến rõ nét về chất lượng tổ chức học tập nghị quyết, chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tại một số cuộc sinh hoạt chi bộ trực tuyến còn có Thường trực Tỉnh ủy dự, một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự. Chất lượng quán triệt học tập nghị quyết và sinh hoạt chi bộ, đảng bộ được nâng lên, quân số tham gia đầy đủ hơn. Công tác chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng hơn, thời gian tổ chức chính xác, không khí nghiêm túc hơn.

Đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị để tham mưu với Đảng ủy tổ chức các hội nghị trực tuyến học tập nghị quyết Đại hội Đảng và tổ chức sinh hoạt trực tuyến. Anh trực tiếp đi kiểm tra camera, ti vi, màn chiếu, tăng âm, loa và các thiết bị khác mỗi khi tổ chức hội nghị trực tuyến. Anh bảo: “Đảng bộ Sở đã tổ chức được một hội nghị học tập Nghị quyết trực tuyến và 5 buổi sinh hoạt trực tuyến trong năm nay. Nếu như trước đây, chỉ có lãnh đạo của Sở được tham gia học tập nghị quyết tại tỉnh thì nay, tất cả cán bộ, đảng viên, công chức của Sở đều được nghe, lĩnh hội báo cáo viên của Trung ương truyền đạt. Vì vậy thông tin khi tiếp nhận được đầy đủ hơn”.

Trong tình hình dịch Covid-19, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, học tập nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp trong toàn tỉnh đã góp phần sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Tại hội nghị kết nối trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, toàn tỉnh có 29 điểm cầu, trong đó có 1 điểm cấp tỉnh, 8 điểm cấp huyện, 20 điểm cầu cấp cơ sở. Tỷ lệ đại biểu tham gia học tập đạt 96,6%.

Tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đề án của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn tỉnh có 77 điểm cầu, trong đó có 1 điểm cấp tỉnh, 9 điểm tại cấp huyện, 67 điểm cầu tại các chi bộ, đảng bộ cơ sở. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia học tập đạt trên 96, 87%.

1- Kỹ thuật viên chuẩn bị thiết bị họp trực tuyến tại điểm cầu Tỉnh ủy.

2- Đại biểu dự tại điểm cầu Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.

3- Lãnh đạo Sở Công Thương kiểm tra thiết bị trực tuyến.

4- Cán bộ, đảng viên xã Hợp Hoà (Sơn Dương) nghe quán triệt các đề án, chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII bằng hình thức trực tuyến.

Theo Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019 (do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tháng 6/2020), xếp hạng chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh Tuyên Quang năm 2019 là hạng thứ 36/63, trong đó chỉ số thành phần về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tỉnh Tuyên Quang năm 2019 vươn lên thứ hạng 27/63 tỉnh, thành phố.

Tri Phú là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chiêm Hóa nhưng lâu nay đều nổi tiếng trong huyện, tỉnh do có gần 100% bí thư chi bộ, trưởng thôn tự trang bị máy tính xách tay để làm việc. Đồng chí Triệu Phúc Phương, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, xã có 14/14 thôn thì đến nay, hầu hết bí thư chi bộ, trưởng thôn đều tự trang bị máy tính xách tay để làm việc. Cán bộ, công chức xã cũng vậy.

Anh Ma Đình Khôi từ khi được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ thôn Tiến Thành 1, xã Tri Phú đã tích góp toàn bộ số tiền phụ cấp hàng tháng để mua một chiếc máy tính xách tay làm việc. Sau khi lĩnh hội lãnh đạo của Đảng ủy xã, anh Khôi soạn thảo tài liệu trên máy tính rồi in ấn, tuyên truyền cho bà con trong thôn. Anh còn dùng máy tính để tải video hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây đỗ đen, giảo cổ lam, cây tre trinh trên mạng về để phổ biến trên zalo, facebook cho bà con học tập. Nhờ cách làm này của anh mà nhiều hộ trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giờ đây, ở Tiến Thành 1 đã có trên 5 ha cây dược liệu, 5 ha cây đỗ đen và trên 160 ha cây tre trinh.

Chính vì vậy, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 33 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025. Theo đó đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2023, 100% thôn, tổ dân phố toàn tỉnh có internet băng thông rộng; 100% các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn hoàn thành đầu tư, lắp đặt và thường xuyên sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối thông suốt ba cấp phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, đề ra mục tiêu đến năm 2025, trên 80% chi đoàn, chi hội, Ban công tác Mặt trận ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt.

Với đội ngũ cán bộ nắm rõ lợi thế và biết ứng dụng công nghệ thông tin, nhiệm kỳ này Tuyên Quang đã lần đầu tiên hoàn thành sớm việc triển khai nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và hoàn thành tất cả các chương trình hành động, kế hoạch, đề án cho cả nhiệm kỳ. Đây cũng là tiền đề vững chắc để tỉnh chớp thời cơ xây dựng 3 trụ cột chính trong chuyển đổi số là: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

ĐỂ NGHỊ QUYẾT THẤM SÂU, LAN TỎA

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khắc phục được những hạn chế trong tổ chức học nghị quyết của Đảng bằng hình thức trực tuyến? Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ, đặc điểm riêng. Người nghe, người học gồm nhiều đối tượng ở những lĩnh vực, cấp, ngành khác nhau có nhiệm vụ, chức năng khác nhau. Ấy là chưa kể một số cơ sở, cá nhân chưa quen với hình thức học tập trực tuyến vốn ít biểu cảm, khó tương tác. Mặt khác chất lượng của học nghị quyết trực tuyến còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố hạ tầng kỹ thuật.

Nhận rõ những vấn đề này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập Nghị quyết Đại hội Đảng, phân công các đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp chủ trì, chỉ đạo hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết tại địa phương, đơn vị. Tại mỗi điểm cầu, Thường trực Tỉnh ủy còn phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị.


Cán bộ, giáo viên và học sinh thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết của Đảng.

Ban Tuyên giáo phân công 12 chuyên viên của Ban trực tiếp đến các điểm cầu tổ chức hội nghị trực tuyến, cùng cơ sở chuẩn bị tốt các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, cơ sở vật chất để tổ chức hội nghị học tập trực tuyến. Đồng thời nắm tình hình, theo dõi, giám sát việc tổ chức học tập, thảo luận chương trình hành động (bổ sung, sửa đổi) thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Ban cũng tổ chức lấy trên 500 phiếu khảo sát ngẫu nhiên chất lượng học tập Nghị quyết. Tại các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, cấp ủy phân công cấp ủy viên, lãnh đạo, chuyên viên các ban đảng, văn phòng cấp ủy, báo cáo viên cấp huyện, giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng chính trị dự, nắm tình hình tổ chức hội nghị tại các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng chỉ đạo đưa nội dung sau học tập thành nội dung sinh hoạt quan trọng, thường xuyên trong các kỳ sinh hoạt chi bộ.

Một điểm nhấn trong tuyên truyền, quán triệt nghị quyết đại hội Đảng ở Tuyên Quang là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phát động Cuộc thi "Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng" bằng hình thức trực tuyến. Qua 3 đợt thi, cuộc thi đã thu hút 102.950 lượt người tham gia. Cuộc thi trực tuyến nhưng không khí hết sức sôi nổi trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, thu hút cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, quán triệt và triển khai nghị quyết của Đảng trong toàn tỉnh đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

ĐƯA CUỘC SỐNG VÀO NGHỊ QUYẾT

Những cấp ủy viên @ không chỉ biết ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai nghị quyết, mà còn ứng dụng trong xây dựng nghị quyết, các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết.

Bí thư huyện vùng cao Lâm Bình Nguyễn Thành Trung là một trong những người như thế. Anh chia sẻ, thông qua các nhóm zalo, facebook, anh đã kịp thời nắm bắt được tình hình sinh hoạt, khó khăn, vất vả tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, nắm được thông tin về mô hình sản xuất lá giang xuất khẩu đang manh nha, mang lại hiệu quả kinh tế khá của Hợp tác xã Quang Minh. Anh đến tận nơi gặp Giám đốc HTX Đàm Văn Điểu, hiểu được nhu cầu về vốn của hợp tác xã. Anh chỉ đạo chính quyền xã, phòng chuyên môn của huyện quan tâm hỗ trợ hợp tác xã được tiếp cận các nguồn vốn và nhân rộng mô hình này ở những nơi có điều kiện. Tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, anh đã trực tiếp thăm hỏi, tặng quà động viên lực lượng đang làm nhiệm vụ; đồng thời chỉ đạo phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ người từ một số huyện giáp danh của tỉnh Hà Giang ra vào địa bàn huyện.

Hiện Bí thư Trung đang tham gia 8 nhóm zalo như “Ban Thường vụ Huyện ủy”, “BCH Đảng bộ huyện”, “Trung tâm điều hành”, “Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện”, “Báo cáo viên cấp huyện”, “UBND huyện”, “Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ huyện Lâm Bình”, “Homestay Lâm Bình”. Đặc biệt, tham gia nhóm zalo “Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ huyện Lâm Bình” và “Homestay Lâm Bình” có cả người dân, chủ các homestay, hợp tác xã. Do đó, anh thường xuyên nắm bắt được tình hình làm dịch vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của nhân dân; từ đó định hướng cho các chủ homestay vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 vừa đón tiếp khách du lịch. Những nguyện vọng từ cơ sở giúp anh có những ý kiến xác đáng trong hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh như đề nghị cơ chế hỗ trợ đối với những cá nhân phát triển du lịch cộng đồng homestay, kiến nghị quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp mang tính đặc thù của huyện...

Không chỉ các cấp ủy viên là nam giới, các “nữ tướng” ở Tuyên Quang cũng thành thạo vận dụng công nghệ vào công việc hàng ngày. Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Thúy Hà chia sẻ: “Vì dịch bệnh Covid - 19 nên phải họp trực tuyến với tổ chức Hội cấp dưới. Ứng dụng công nghệ không khó nếu mình chịu khó mày mò, học hỏi”. Hội Phụ nữ tỉnh còn có các nhóm zalo, facebook trên mạng xã hội để trao đổi công việc như nhóm zalo: “Thường trực Hội LHPN tỉnh”, “Các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn”, “Các đồng chí Ủy viên Thường vụ chuyên trách”, “Ủy viên BCH Hội Phụ nữ tỉnh”, “Chi bộ Hội Phụ nữ tỉnh”, “Thường trực, Thường vụ, lãnh đạo chủ chốt Hội LHPN các huyện, thành phố”. Ngoài ra, Hội còn rất chú trọng phát triển và tương tác trang fanpage của Hội để từ đó lan tỏa các phong trào thi đua, các cuộc vận động, mô hình mới, sáng tạo trong các cấp hội và hội viên. Hiện nay, trang fanpage của Hội đã có trên 27.000 lượt tiếp cận, trên 1.500 người thích trang và có trên 5.000 lượt người tương tác.

Ngày Tuyên Quang phát hiện ca nhiễm covid 19 đầu tiên ở xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) - nơi chị Hà được Tỉnh ủy giao phụ trách xã, chị đã dùng zalo, facebook để nắm bắt tình hình khu phong tỏa. Chị biết bà con ở đó đang khó khăn trong tiêu thụ nông sản, nên tìm cách phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Bưu điện tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con. Cũng thông qua mạng xã hội, Hội LHPN tỉnh đã kêu gọi người dân hỗ trợ tiêu thụ gần 10 tấn nông sản cho nông dân Bắc Giang và gần 1 tấn rau, củ giúp nông dân Yên Nguyên.

Chị Hà còn nắm được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phòng, chống rác thải nhựa của hội viên phụ nữ do chị em phụ nữ ở cơ sở chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Kết hợp những thông tin này với những chuyến đi cơ sở, chị tham gia được nhiều ý kiến với BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện nhiệm vụ đột phá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chung tay xử lý rác thải và phòng, chống rác thải nhựa.

Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đào Thị Mai nhiều lần đi cơ sở, đến thăm từng mô hình sản xuất của nông dân đã luôn trăn trở làm thế nào để tìm đầu ra cho nông sản, làm thế nào để sản phẩm của người nông dân bán ra thị trường có giá trị tương xứng? Và ý tưởng xây dựng một trang website giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của người nông dân do Trung tâm hỗ trợ nông dân quản lý được ấp ủ. Chỉ trong mấy tháng khi tiếp nhận cương vị Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, chị Mai đã xây dựng thành công website http://ocop.hoinongdantuyenquang.org.vn/ mà không có một đồng kinh phí nào. Nhờ chức năng liên kết với các trang website của Hội Nông dân của 62 tỉnh, thành phố trong cả nước, website đã giới thiệu, quảng bá hàng trăm sản phẩm OCOP của Tuyên Quang ra các tỉnh, thành phố khác.

Chị Mai chia sẻ: “Thông qua mạng xã hội, trang web, trang fanpage của Hội Nông dân tỉnh, Hội đã kết nối, phối hợp với các đơn vị khác vận động, tiếp nhận và hỗ trợ trên 600 tấn nông sản cho các tỉnh, thành có dịch Covid-19. Vui nhất là việc sử dụng mạng xã hội đã góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi nông sản của địa phương và giúp cho giá cả hàng hóa của người nông dân được ổn định”. Chị Mai ấp ủ trong thời gian tới sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý một số dự án hỗ trợ nông dân, điển hình như số hóa đàn bò của người dân tộc Mông theo dự án “vay bò trả bê”, nghiên cứu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất thịt bò chất lượng cao.

Không chỉ có những cán bộ cấp tỉnh, huyện thành thạo công nghệ, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền nghị quyết của Đảng, ở thôn bản vùng sâu, vùng xa, nhiều bí thư chi bộ, trưởng thôn cũng tích cực học tập để ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần đưa nghị quyết của Đảng nhanh vào cuộc sống. Bà Ma Thị Sa, Bí thư chi bộ thôn Bả, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) năm nay đã 63 tuổi chia sẻ, thấy con cháu sử dụng máy tính xách tay, gõ gõ, bấm bấm khiến bà tò mò lắm, nghĩ mình ngoài 60 tuổi chẳng cần dùng đến làm gì nữa. Nhưng vừa rồi, UBND xã vận động cán bộ thôn, bản học máy tính để triển khai việc thôn thuận hơn, nghe ra nên mọi người hào hứng lắm. Xã huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ mỗi thôn mua một máy tính xách tay, rồi mở lớp dạy vi tính cho các cán bộ thôn, mọi người tham gia nhiệt tình.

Được các thầy, cô giáo của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hùng Mỹ chỉ bảo tận tình, mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Sa vẫn quyết học cho bằng được. Những thao tác cơ bản đều phải học, cũng như ngày mới cầm vào cái cày, cái bừa cũng phải học nữa là máy tính. Học từ cách mở máy tính, nhấp chuột, rồi các dấu câu trên máy. Mới đầu khó lắm, lằng nhằng, hoa cả mắt nhưng rồi "lối đi" cũng đã được mở, bà và mọi người  bắt đầu mường tượng ra để đánh được một văn bản thì phải học căn lề, gõ chữ có dấu, ví như dấu sắc thì đánh chữ s, dầu huyền thì gõ vào chữ f...rồi truy cập internet thì phải kết nối mạng thế nào, tìm kiếm thế nào...  Bây giờ mỗi buổi tối bà Sa lại đem máy tính ra để ôn tập lại những gì được học trên lớp để những thao tác của mình thuần thục thục hơn, ứng dụng vào công việc tốt hơn.

Đồng chí Lương Hải Tuyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ học được nhiều kinh nghiệm, cách làm mới trong chăn nuôi từ nền tảng công nghệ.

Năm 2017, ông mới chỉ chăn  nuôi 5 con trâu vỗ, đến nay gia đình ông đã phát triển lên 20 con trâu, bò. Ông còn tập hợp 7 hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo trên địa bàn thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thành Công, xã Hùng Mỹ liên kết với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) để việc chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định hơn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền nghị quyết của Đảng, nắm bắt tình hình, gần gũi với nhân dân, những cấp ủy viên “a còng” đã tích cực tham mưu cho tỉnh sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống kịp thời, hiệu quả, ngay cả trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.


Bài 2: Ba cùng với Dân

CÙNG SINH HOẠT TẠI CƠ SỞ

Nhận thấy chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn tỉnh trong những năm qua chuyển biến còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên nhằm giúp cấp ủy các cấp có những định hướng lãnh đạo, chỉ đạo sát với thực tiễn, trong đó: Quy định số 18-QĐi/TU ngày 5/10/2018 quy định về trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư thuộc đảng bộ được phân công phụ trách, theo dõi; dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư và khu dân cư nơi cư trú; Quy định số 20-QĐi/TU ngày 25/10/2018 quy định về trách nhiệm của cấp ủy viên và cán bộ, công chức cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp trong việc dự sinh hoạt chi bộ thuộc phạm vi lãnh đạo của cấp ủy.

Chủ trương này nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý với nhân dân; thông tin các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho nhân dân; nắm chắc tình hình, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở để giải quyết; hướng dẫn sinh hoạt nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của chi ủy, chi bộ đối với thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, đảm bảo truyền tải thông tin, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với cơ sở.

Đồng chí Hứa Thị Lèng làm Bí thư chi bộ thôn Bình An, xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) đến nay đã được 14 năm cho biết, mặc dù từ trước đến nay chi bộ vẫn tổ chức sinh hoạt theo quy định, nhưng từ ngày có đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh dự sinh hoạt cùng chi bộ thôn đã mang đến “luồng gió mới”. Đồng chí đã chỉ ra những mặt chưa được như trình tự nội dung sinh hoạt chưa hợp lý, chưa lựa chọn được nội dung trọng tâm để phổ biến quán triệt đến đảng viên; việc trao đổi ý kiến, thảo luận còn chung chung chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa có trọng tâm; việc kiểm điểm, đánh giá hoạt động chưa làm rõ nhiệm vụ cụ thể gắn với hoạt động thực tiễn của chi bộ.

Các đồng chí đã góp ý, hướng dẫn về cách thức sinh hoạt, đánh giá kết quả hoạt động tháng trước cần tập trung vào kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thôn. Đồng thời phân công cụ thể cho đảng viên phụ trách công tác giảm nghèo, tuyên truyền giúp đỡ các hộ nghèo vận dụng những chính sách, vật chất đã được hỗ trợ để tập trung lao động sản xuất thoát nghèo. Ngay sau buổi dự sinh hoạt và góp ý của đồng chí cấp ủy tỉnh, chi bộ thôn Bình An đã phân công đảng viên giúp đỡ 4 hộ thoát nghèo.

Không chỉ trong sinh hoạt chi bộ, các cán bộ, đảng viên ở Tuyên Quang còn có những cách “đi vào lòng dân” bằng sự gắn bó với cơ sở, với cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Họ đã phát huy tính sáng tạo, vận dụng những khả năng của bản thân để vừa lãnh đạo, vừa “làm bạn” với dân.

Đồng chí Cháng A Đềnh, Bí thư chi bộ thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) là người Mông, nhưng đã học tiếng Dao để tuyên truyền cho bà con người Dao trong thôn cùng phát triển kinh tế. Để vận động bà con trồng mía, chăn nuôi vỗ béo trâu bò, Bí thư A Đềnh vừa nói bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Dao nên bà con dễ hiểu, tin tưởng và làm theo. Từ việc chăn nuôi manh mún, hiện nay cả thôn đã có gần 170 con trâu, trong đó 15 hộ người Dao có 45 con.


Bí thư chi bộ thôn Tiên Tốc Cháng A Đềnh thường gặp gỡ bà con trong thôn để hướng dẫn sản xuất.

Còn cán bộ người Kinh Vũ Văn Nam ở huyện Hàm Yên thì có bí quyết nói thành thạo tiếng Mông là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Anh Nam chia sẻ, trước đây với vai trò là Trưởng Công an xã Yên Lâm, anh luôn tận dụng mọi thời gian đi cơ sở, chuyện trò, làm việc, ăn cơm cùng dân. “Mình phải biết tiếng của đồng bào, thì đồng bào mới thấy tin tưởng gần gũi và chia sẻ với mình được. Những lúc ấy phải tranh thủ học hỏi và vận dụng ngay, vài lần là thạo thôi”.

Tuyên Quang hiện vẫn là tỉnh nằm trong “vùng xanh” của cả nước. Có được kết quả đó là nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý và kiểm soát chặt chẽ của các ngành, các cấp và nhân dân, đặc biệt là vai trò của các tổ covid cộng đồng. Tuyên Quang có hơn 2.350 tổ covid cộng đồng với trên 7.000 thành viên ở 138 xã, phường, thị trấn. Việc giám sát các đối tượng liên quan đến ca mắc được chặt chẽ, việc ra kiểm soát người ra vào tỉnh ở tất cả các cửa ngõ được thắt chặt, người dân đã chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Khi mỗi địa phương có các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, các tổ covid cộng đồng đều sẵn sàng vào cuộc.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Tuyên Quang phát hiện ca bệnh đầu tiên tại thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cùng nhiều trường hợp tiếp xúc. Đồng chí Vũ Xuân Tuyên, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khuôn Khoai nhớ lại, Tổ covid cộng đồng tại thôn được thành lập từ trước đó. Khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở thôn, cũng là ca đầu của tỉnh, nhiều người trong thôn đã rất lo lắng. Yêu cầu cấp bách được đặt ra đối với xã là phải thần tốc truy vết, theo dõi các trường hợp F1, F2, F3 để có các biện pháp cách ly, ngăn chặn sự lây lan. Bí thư Tuyên đã xác định ngay thôn là “cánh tay nối dài” của xã, việc đầu tiên là cùng với trưởng các đoàn thể trong thôn và Tổ covid cộng đồng nắm tình hình di biến động của người dân, tuyên truyền, vận động trấn an người dân không hoang mang lo sợ.

Bà Hoàng Thị Nga là mẹ của bệnh nhân F0, hoàn cảnh lúc đó rất éo le, bà vừa phải chăm bố chồng già yếu, vừa chăm chồng ốm thập tử nhất sinh rồi lại chăm hai đứa cháu. Khi nhận tin bà đã rất lo sợ, nhưng được kịp thời thông tin trấn an và động viên thường xuyên qua điện thoại nên tư tưởng được ổn định, nghe theo sự chỉ đạo của chính quyền, thực hiện cách ly theo quy định.

Mặc dù cách ly, phong tỏa, nhưng cuộc sống của người dân thôn Khuôn Khoai ít bị đảo lộn bởi có sự hoạt động tích cực của Tổ covid cộng đồng. Hàng ngày, các cán bộ xã, các ngành chức năng đều có mặt tại chốt kiểm soát cửa ngõ vào thôn, thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo cán bộ thôn hỏi thăm, quan tâm đời sống sinh hoạt của người dân xem thiếu gì, khó khăn gì. Các thành viên trong tổ hai lần đi lấy hàng cứu trợ để chia cho các hộ dân, nên bà con nhân dân rất yên tâm, tuyệt đối nghe theo sự chỉ đạo.

Ngoài các chốt kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến quốc lộ, thì tại các cửa ngõ giáp ranh với một số tỉnh lân cận, các tổ covid cộng đồng luôn là “tai mắt” để phối hợp với các lực lượng liên quan phát hiện những đối tượng cố tình “thông chốt” xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Qua thực tế phát hiện các ca nhiễm và nghi nhiễm trên địa bàn tỉnh cho thấy, các tổ covid cộng đồng ở Tuyên Quang đã phát huy được hiệu quả. Việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để khoanh vùng, cách ly những khu vực có nguy cơ cao, cùng với đó là tuyên truyền, dựa vào dân, huy động sức dân, tạo sự đồng lòng để phòng chống dịch, theo đúng với phương châm “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi xã phường là một pháo đài chống dịch”.

Tổ covid cộng đồng tổ 10 phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) rà soát người đi về địa bàn.

CÙNG DÂN TRONG TỪNG VIỆC

Hàm Yên là một trong những huyện đi đầu ở Tuyên Quang về tổ chức phong trào cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại cơ sở.

Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện được tỉnh giao trọng trách xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trước đây, nhân dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị còn khó khăn; ý thức sinh hoạt của một bộ phận nhân dân như chưa văn minh, chưa quan tâm đến vệ sinh các công trình công cộng, chưa chú trọng xây dựng 3 công trình hợp vệ sinh, xả rác bừa bãi ra nơi công cộng…Một số hoạt động của cán bộ, nhân dân tuy có nhưng chỉ là tự phát, do vậy điều đặt ra với huyện là làm sao tổ chức được thành phong trào rộng khắp, nền nếp.

Ngày 18/12/2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 01 yêu cầu các chi, đảng bộ cơ sở, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị cấp huyện đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại cơ sở cùng nhân dân vào thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần.

Cứ vào những ngày cuối tuần, khi thời tiết thuận lợi, cán bộ, đảng viên và chiến sỹ lực lượng vũ trang của huyện lại xuống cơ sở thực hiện “ngày thứ bảy cùng dân”, tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa, trồng hoa các tuyến đường, đắp lề đường, giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách chỉnh trang nhà cửa...Không khí lao động sôi nổi khắp các bản làng, giúp người dân, cán bộ, lãnh đạo các cấp trong huyện gần gũi, gắn kết với nhau hơn.

Ông Hoàng Văn Len, Trưởng thôn Minh Thái, xã Thái Sơn chia sẻ, xã là một trong hai xã của huyện Hàm Yên phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2021. Hiện xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí, 5 tiêu chí còn lại, trong đó có môi trường, xã đã xây dựng kế hoạch cho cán bộ xã tham gia cùng nhân dân các thôn, vận động tham gia xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình, tổ nhóm tự quản, hướng dẫn nhân dân làm chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Hoạt động này thực sự có ý nghĩa, vừa giúp được dân lại vừa cổ vũ phong trào xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.

Đến nay, toàn huyện Hàm Yên đã huy động trên 63.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ và và nhân dân tham gia lao động vệ sinh môi trường các tuyến đường, trồng và chăm sóc hơn 40 km đường hoa; chỉnh trang khuôn viên các nhà văn hóa, phát dọn, nạo vét rãnh của gần 200 km các tuyến đường, lắp đặt hơn 5 km cấu kiện kênh mương, hỗ trợ làm trên 220 nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhiều hộ dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh, phân loại rác thải, xây bể xử lý rác hữu cơ, lò đốt rác tại hộ gia đình… Người dân trong huyện đã tích cực hơn trong phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp.

Bí thư Huyện ủy Mai Hồng Hà cho biết, kinh nghiệm từ chương trình này cho thấy, khi cán bộ, đảng viên gần gũi với với quần chúng nhân dân sẽ giúp tăng cường mối liên hệ giữa dân với Đảng. Việc tuyên truyền vận động nhân dân để nhân dân thấy mình thực sự là chủ thể, đồng thuận, tự giác, tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới sẽ dễ dàng hơn.

Từ cách làm hiệu quả này của Hàm Yên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là việc tham gia các hoạt động với nhân dân tại cơ sở của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chính trị - xã hội trong tỉnh, nhằm củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, chia sẻ, đồng cảm, cổ vũ và động viên nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Theo đó các huyện, thành phố hưởng ứng để tiếp tục học tập, nhân rộng mô hình, tạo khí thế thi đua sôi nổi lan tỏa trong toàn tỉnh.

“Ba cùng” với dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cho nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai sử dụng các ngày nghỉ cuối tuần để giúp dân kê khai, thẩm định, kiểm tra kết quả việc chỉnh lý biến động thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.  Nhờ vậy mà các thủ tục chỉnh lý chỉ mất 30 phút đã giải quyết xong, các thông tin chính xác, ít phải làm lại.

Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho rằng, những thông tin trên giấy tờ liên quan đến đất của người dân bị biến động là do thay đổi địa giới hành chính. Sở đã thực hiện những điều chỉnh này hoàn toàn miễn phí cho người dân. Mục tiêu đặt ra của ngành là đem đến sự phục vụ hài lòng nhất cho người dân khi đến thực hiện các thủ tục. Đây là hoạt động cụ thể của ngành nhằm thực hiện Đề án số 02 - ĐA/TU ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

CÙNG ĐỐI THOẠI VÀ GIẢI QUYẾT NGUYỆN VỌNG CHÍNH ĐÁNG CỦA DÂN

Đối với các vụ việc phức tạp kéo dài nhiều năm, hoặc có tính chất “nóng”, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể thường xuyên tổ chức lắng nghe tâm tư nguyện vọng, giải quyết những bức xúc, kiến nghị của nhân dân, đi đôi với vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất là người đứng đầu phải nắm bắt và hiểu rõ vấn đề phức tạp ở cơ sở, đặc biệt là từ trong dân. Việc thường xuyên đi cơ sở của lãnh đạo tỉnh trong thời gian vừa qua đã và đang tháo dần những nút thắt bức xúc trong nhân dân. Đích thân đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi cơ sở, đến những “điểm nóng” nắm bắt, tìm hiểu vấn đề và chủ trì nhiều cuộc đối thoại với công dân. Hầu hết các bức xúc đều liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, những chính sách ảnh hưởng tới đời sống và quyền lợi của nhân dân. Bên cạnh việc trực tiếp giải quyết, lãnh đạo UBND tỉnh còn chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm, sâu sát, giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh tại cơ sở.

Từ cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã đối thoại với đại diện một số hộ dân về việc giao bổ sung đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tái định cư còn thiếu theo Quyết định số 1766 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí chia sẻ với những khó khăn của người dân và mong muốn người dân cũng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh vì nguồn vốn thực hiện cho công tác di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang còn chưa được cấp đủ. Tỉnh báo cáo Chính phủ để giải quyết, đồng thời giao UBND các huyện, thành phố giải quyết toàn bộ những vướng mắc của các hộ; rà soát lại những vướng mắc tại từng khu, điểm, hộ dân tái định cư để giải quyết dứt điểm từng khó khăn, vướng mắc. Từ đó đến nay,  mặc dù dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều công việc khác nhưng các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh vẫn trực tiếp chủ trì tiếp và giải quyết các kiến nghị của công dân, chủ yếu liên quan đến các quy định về đất đai. Những vướng mắc thuộc phạm vi địa bàn nào đã được chỉ đạo giải quyết triệt để.

1- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng thi công đường bờ sông Lô qua thành phố Tuyên Quang. 2- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương kiểm tra việc thực hiện Dự án khu xử lý rác thải tại xã Nhữ Khê (Yên Sơn). 3- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì cuộc tiếp công dân.

Một trường hợp điển hình tại huyện Yên Sơn. Từ năm 2011, ông Phạm Trọng Kiêm, thôn Trầm Ân, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đã gửi đơn khiếu kiện về việc Nhà nước thu hồi gần 2.300m2 đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông để bố trí khu tái định cư. Ông cho rằng việc thu hồi là không đúng, hơn nữa cán bộ khi giải quyết công việc chưa có sự giải thích thỏa đáng. Từ đó đến nay hơn 10 năm ông đã gửi gần 200 đơn khiếu kiện đến các cấp từ huyện cho đến Trung ương, rồi có những phát ngôn trên mạng xã hội thể hiện sự không đồng tình với các quyết định đó, gây phức tạp tình hình tại địa phương.

Khi được phân công nhiệm vụ làm Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Phạm Ninh Thái hiện là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy đã nhận thấy đó là việc cần phải giải quyết triệt để, không thể kéo dài hơn làm phức tạp tình hình an ninh ở cơ sở. Cuối năm 2020, đồng chí đã giao cho Phó Chủ tịch UBND huyện cùng với cán bộ chuyên môn nghiên cứu kỹ các văn bản và đối chiếu với các quy định của pháp luật để làm cơ sở giải quyết. Đồng thời tổ chức xuống nhà gặp gỡ, mời ông Kiêm đến trụ sở huyện đối thoại nhiều lần để bàn bạc tìm cách tháo gỡ. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe và tích cực xem xét những lợi ích chính đáng của ông Kiêm, những quyết định chưa hợp lý của chính quyền, đến nay mọi việc đã được giải quyết thấu tình đạt lý. Ông Kiêm cho biết, ông hài lòng với cách giải quyết này của huyện, giải tỏa được những bức xúc hơn 10 năm nay. Ông đã rút đơn, có cam kết không khiếu kiện, đồng thời tình nguyện hiến cho huyện hơn 530 m2 đất để bố trí tái định cư.

Khu đất của gia đình ông Kiêm (ảnh trái) và niềm vui của ông khi được giải quyết thỏa đáng bức xúc hơn 10 năm nay (ảnh phải).

Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cây Đa 2, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương Chu Văn Minh cũng đồng thời là Tổ trưởng tổ hòa giải của thôn. Ông luôn tâm niệm muốn giải quyết được ổn thỏa các mối quan hệ trong cộng đồng thì cần phải tạo được mối quan hệ thân mật, gần gũi với các gia đình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để biết người dân muốn gì. Từ đó, ông tích cực tham gia hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn của các hộ gia đình trên địa bàn thôn như tranh chấp đất đai, sử dụng đất trái mục đích. Những năm qua, ông đã cùng Tổ hòa giải giải quyết 13 vụ mâu thuẫn có hiệu quả ngay tại cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Nhờ đó, thôn không có khiếu kiện vượt cấp, nhân dân luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, trong đợt dịch bùng phát vừa qua, ông còn vận động nhân dân trong thôn quyên góp 4,4 triệu đồng ủng hộ Quỹ vắc xin Covid-19, 4 triệu đồng các chốt kiểm dịch tại xã, hơn 450 kg gạo giúp đỡ nhân dân Hà Nội, 2,8 triệu đồng ủng hộ nhân dân miền Nam…


Bài 3: Dân thụ hưởng và những bài học quan trọng

NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG

“Tiếng thơm” tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất trồng keo để xã, thôn làm đường bê tông của đảng viên người dân tộc Nùng Dương Văn Páo, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trung Sơn, xã Trung Sơn (Yên Sơn) như giục giã đôi chân của chúng tôi.

Người dân tộc Mông, Nùng, Tày ở hai thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn và thôn Làng Phát của xã Kim Quan (Yên Sơn) chẳng bao giờ nghĩ con đường mòn bằng đất vắt qua sườn núi cheo leo nối liền hai thôn của hai xã giờ đây lại là con đường bê tông phẳng phiu, dễ dàng thông thương đến vậy.

Đường trục xã Kim Quan (Yên Sơn) được nhân dân hiến đất.

Khi cấp ủy, chính quyền hai xã Trung Sơn và Kim Quan có chủ trương vận động nhân dân làm tuyến đường bê tông có chiều rộng 5 mét nối liền hai thôn Làng Phát và Làng Chạp của hai xã, khó khăn nhất là vận động 9 hộ dân có đất và cây trồng liên quan đến việc làm hai tuyến đường này hiến đất, giải phóng mặt bằng. Trong đó, chủ yếu là người dân tộc Mông. Biết được khó khăn này, đảng viên Dương Văn Páo đã tự nguyện và tiên phong hiến 1.000m2 đất trồng keo của gia đình để xã mở đường. Đảng viên Dương Văn Páo kể: “Mình hiến 1.000 m2 đất và 300 cây keo để xã, thôn mở đường. Từng đó có đáng kể gì so với cái lợi là nhân dân được đi lại dễ dàng. Mình nói với vợ: “Tôi là đảng viên, đảng viên thì phải gương mẫu”, nghe thấy vậy, vợ mình đồng tình ngay. Mình nói với cán bộ, các anh cứ đo đất làm đường, cần bao nhiêu đất, tôi hiến bấy nhiêu”.

Biết đảng viên Dương Văn Páo không chần chừ mà hiến ngay 1.000 m2 đất rừng và 300 cây keo đã 5 năm tuổi, anh Giàng Seo Páo, dân tộc Mông có đất rừng liền kề với nhà đảng viên Dương Văn Páo cũng đồng ý hiến 1.000m2 đất rừng để thôn, xã mở đường.

Anh Giàng Seo Páo bộc bạch: “Từ đầu tôi cũng băn khoăn, keo trên rừng đã 3 năm tuổi rồi. Nếu hiến đất thì diện tích đất hiến cũng nhiều. Nhưng thấy đảng viên Dương Văn Páo hiến rồi, mình không hiến thì làm sao thôn làm được đường bê tông cho dân mình đi. Nghĩ vậy nên mình không chần chừ nữa”. Từ khi rời Xín Mần, Hà Giang về Làng Chạp, xã Trung Sơn định cư, gia đình anh Páo và nhiều người Mông ở xóm Ngòi Kiêng, thôn Làng Chạp chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng rừng. Nhờ có rừng, đường giao thông đi lại thuận tiện mà năm 2019, gia đình anh thoát nghèo. Từ tấm gương hiến hàng nghìn mét vuông đất của đảng viên, thầy giáo Dương Văn Páo, cấp ủy, chính quyền xã Trung Sơn còn vận động thêm 7 hộ gia đình là người Mông ở thôn Làng Chạp hiến 2.500m2 đất để mở đường.

Xuôi theo dòng sông Phó Đáy, chúng tôi tiếp tục tìm gặp đồng chí Triệu Văn Trường, dân tộc Tày, Bí thư chi bộ thôn Làng Nhà, xã Kim Quan (Yên Sơn). Khi xã Kim Quan thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất. Huyện, xã chủ trương xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại thôn Làng Nhà. Khu xử lý rác thải này được xây dựng trên phần lớn diện tích đất trồng rừng của Bí thư chi bộ Triệu Văn Trường. Khi biết chủ trương này, chẳng cần đến cán bộ xã vận động, đồng chí Trường đã tự nguyện báo cáo với đảng ủy xin hiến 4.400m2 đất rừng để xã xây dựng khu xử lý rác thải tập trung. Khi đó, keo trên đất đã được 4 năm tuổi. Diện tích rừng này mỗi năm cho gia đình đồng chí Trường thu 120 triệu đồng sau khai thác.

Tấm gương hiến đất rừng của Bí thư chi bộ Triệu Văn Trường đã lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân. Sau đó, trên địa bàn xã Kim Quan đã có 42 hộ hiến trên 8.200m2 đất để làm đường bê tông nông thôn, bê tông nội đồng. Bà Lý Thị Chấm, dân tộc Tày, người dân thôn Làng Nhà vừa qua đã hiến 300m2 đất ruộng hai vụ để thôn làm đường. Gia đình bà Chấm có 500m2 đất ruộng trồng hai vụ lúa và một vụ ngô. Khi thôn triển khai làm đường bê tông, bà đã tự nguyện hiến phần đất nhiều hơn cho thôn làm đường. Bà vui vẻ nói: “Đảng viên hiến đất, gia đình mình cũng hiến để thôn làm đường mà không lăn tăn gì cả. Có con đường bê tông mới, máy gặt, xe tải nhỏ đánh đến tận chân ruộng, lúa gặt xong không phải chở nhiều chuyến bằng xe máy mới về tới nhà được như trước”.

Bí thư chi bộ Triệu Văn Trường (ảnh trái, đứng bên trái) và bà Lý Thị Chấm bên con đường bê tông mới hoàn thành.

Về xã Minh Thanh (Sơn Dương), những tuyến đường bê tông hóa phẳng lỳ chạy uốn lượn qua những cánh đồng lúa thẳng tắp, những chiếc cầu khang trang bắc qua suối đã làm cho diện mạo của nơi đây như bừng lên một sức sống mới. Người dân giờ đây không còn phải lội bùn, tăng bo bằng xe máy, còng lưng gánh lúa qua suối, qua những con đường đất trơn trượt. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sản, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Thanh cho biết, trong hai năm 2020 và 2021 này, xã thực hiện nhiều công trình hạ tầng nông thôn quan trọng như cầu tràn thôn Lê, cầu Đồng Voòng, thôn Cả; sửa chữa, nâng cấp tuyến đường huyện ĐH07 và ĐH18… Thực hiện các công trình này đã có 378 hộ dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng không có đền bù để nhà nước thi công. Với sự nêu gương, đi trước trong hiến đất của các đảng viên, công tác vận động nhân dân hiến đất đã nhận được sự đồng thuận cao. “Việc gì khó càng phải phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên và càng sát dân thì sẽ vận động thành công” - Anh Sản khẳng định.

Ước mơ có một chiếc cầu bắc qua dòng suối Lê của hàng trăm hộ dân thôn Lê, xã Minh Thanh giờ đây đã trở thành hiện thực. Thôn Lê có 166 hộ dân tộc Tày sinh sống, thu nhập của người dân chủ yếu trông vào canh tác nông nghiệp. Bao năm nay, người dân phải lựa những chỗ nước nông, ít chảy xiết để lội bộ qua suối Lê sang bên kia suối để trồng lúa, thu hoạch. Máy cày, bừa, tuốt lúa…cũng phải vận chuyển thủ công bằng hình thức khuân vác sang chân ruộng.  Khi Nhà nước có chủ trương đầu tư cây cầu bắc qua suối, xã phải vận động một số hộ dân ở hai bên suối hiến đất ruộng. Trong đó có ruộng của gia đình đồng chí Nguyễn Đức Trọng, Phó Bí thư chi bộ thôn Lê. Biết đây là mong mỏi bao năm của nhân dân, đồng chí Trọng đã tự nguyện hiến gần 300m2 đất ruộng để Nhà nước xây cầu. Tiếp đó, đồng chí Trọng còn vận động hộ anh Nguyễn Văn Chuyền cũng hiến gần 300m2 đất ruộng để làm cầu. Bây giờ cây cầu tràn liên hợp dài trên 37 mét đã hoàn thành, thỏa lòng mong ước bấy lâu của người dân.

Đang là mùa mưa nên con đường đến thôn Cầu Cao 2, xã Bạch Xa (Hàm Yên) trở nên khó khăn. Câu chuyện đảng viên Nguyễn Văn Chu, dân tộc Dao, chi bộ thôn Cầu Cao 2 hiến 1.036m2 đất để xây dựng lớp học mầm non khiến nhiều người nể phục và lan xa. Diện tích đất hiến của đảng viên Nguyễn Văn Chu trước đây trồng nhiều loại cây ăn quả như vải, nhãn, hồng xiêm, trám và hơn 6 ha chè cành, mỗi năm cho gia đình anh thu nhập trên 50 triệu đồng. Đảng viên Nguyễn Văn Chu cho biết: “Muốn nhân dân tin và làm theo thì đảng viên phải làm trước. Đó là lý do mà tôi hiến đất xây lớp học”. Không chỉ có vậy, vừa qua, đảng viên Chu còn hiến trên 200m2 đất để thôn xây dựng nhà văn hóa. Không chỉ có tấm gương tiên phong hiến đất của đảng viên Chu, ở nhiều thôn của xã Bạch Xa, đảng viên cũng là những người tiên phong trong hiến đất để nhân dân làm theo, tiêu biểu như đảng viên Đặng Văn Bách, chi bộ thôn Ngòi Nung hiến 600m2 đất để làm đường bê tông, đảng viên Triệu Tài Phòng, Phùng Văn Nhất, chi bộ thôn Nà Quan đều hiến 400m2 đất để làm nhà văn hóa thôn.

Người nông dân vốn nặng tình với mảnh đất, thửa ruộng của mình, yêu đất như yêu chính cuộc sống của mình. Nhưng vì lợi ích chung, nhiều đảng viên sẵn sàng hiến đất ở, đất vườn, đất rừng, đất ruộng để làm đường, làm cầu, xây dựng các công trình phúc lợi mà không đòi hỏi một quyền lợi nào. Chính sự tiên phong. gương mẫu của đảng viên trong hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn đã trở thành tấm gương sống động lan tỏa, tạo niềm tin của quần chúng nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, từ đó biến thành hành động thực tế thúc đẩy thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua.

THẮNG LỢI NHỜ SỨC DÂN

Tác phong gần dân, sâu sát với thực tiễn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đã tạo nên sự đồng thuận cao của nhân dân, đưa các nghị quyết của Đảng vào thực tế một cách nhanh chóng. Sức mạnh to lớn trong nhân dân được khơi dậy tạo thành nguồn lực nội sinh để Tuyên Quang thực hiện hiệu quả nhiều nghị quyết, chương trình, đề án lớn, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang phát triển như: chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22-5-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020; Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang…Trong giai đoạn 2016 - 2020,  tỉnh Tuyên Quang đã bê tông hóa được 470,6/414,2 km, đạt 113,6% kế hoạch giai đoạn 2016-2020.

Phát huy kết quả đạt được từ giai đoạn trước, ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đề án được thực hiện theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Theo đề án này, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu xây dựng 1.080 km đường giao thông nông thôn, trong đó bê tông hóa 620km đường thôn và 460km đường nội đồng.  Đến đầu tháng 10, toàn tỉnh hoàn thành bê tông hóa 196,1/223 km đường bê tông nông thôn, đạt tỷ lệ 87,9% kế hoạch.

Riêng trong năm 2021, Tuyên Quang có kế hoạch hoàn thành 108 km đường bê tông nông thôn và 115 km đường giao thông nội đồng. Đến giữa tháng 9, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành thi công trên 182 km đường.

Không mấy người ở Yên Sở, Phúc Ninh (Yên Sơn) tưởng tượng được, có một ngày, con đường lên núi Đồi Vầu, Tràn Lầy lại thuận tiện đến thế. Vùng đồi này trước đây bà con chỉ tận dụng để trồng mía, trồng cỏ cho đàn gia súc… Mà cũng chỉ một vài nhà “đủ dũng cảm” vượt đường, vượt núi lên trồng. Con đường mòn bùn lầy, lại nằm xa khu dân cư, nên dù cả khu vực đất sản xuất trù phú, phù hợp với quy hoạch phát triển cây ăn quả của xã, nhưng người dân tính toán, có được mùa bội thu thì số tiền thuê người đến làm, vận chuyển vật tư phân bón, nông sản về cũng gấp nhiều lần số tiền bán sản phẩm.

Những năm trước, một đoạn đường bê tông chiều dài gần 500 mét đã được người dân đóng góp ngày công hoàn thành theo Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn của tỉnh. Vùng đất đồi bỏ hoang ngày nào, giờ được đánh thức bởi màu xanh của na, cam và bưởi. Năm 2021, Yên Sở tiếp tục đăng ký hoàn thành thêm 520 mét đường, chiều rộng 3,5 mét, nối từ trung tâm thôn đến từng chân vườn. Nhìn từ trên cao, con đường mới hoàn thành đẹp đẽ, phẳng phiu như một dải lụa vắt ngang núi.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh Nguyễn Mạnh Hà, những tuyến đường giao thông được bê tông, cứng hóa đã góp phần hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả ở Phúc Ninh. Xã hiện có hơn 1.500 ha cây ăn quả, tập trung là bưởi, cam và na. Trong năm 2021, các thôn Quang Thắng, Soi Tiên, Éo, Yên Sở, Ao Dăm… đã hoàn thành hơn 2.000 mét đường bê tông. Hiện một số thôn đã tiếp tục đăng ký thêm hơn 1.000 mét trong năm nay.

Chiêu Yên đang là xã về đích sớm nhất trong bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh trên địa bàn huyện Yên Sơn. Là xã nằm xa trung tâm thị trấn nhưng cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã đã biết phát huy sức mạnh của nhân dân, làm tốt công tác dân vận để khắc phục khó khăn. Năm 2021, Chiêu Yên được giao bê tông hóa 6,2 km đường bê tông nông thôn theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Đến nay, Chiêu Yên đã hoàn thành 100% kế hoạch.

Chủ tịch UBND xã Mông Thanh Vấn chia sẻ, quá trình làm đường bê tông khó khăn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Dao chiếm trên 50% dân số nên bà con chỉ nghe, tin theo việc thật, người thật. Các thôn đều phải họp dân, công khai chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh để dân biết, dân bàn rồi tổ chức thực hiện. Với cách làm này đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Đường bê tông rộng 3,5 mét, đường đi qua nhà nào, nhà đó tự dịch rào, hiến đất, chặt cây để thôn làm đường. Chủ tịch Vấn cho biết, toàn xã có 300 hộ hiến trên 10 nghìn m2 đất để thôn làm đường trong năm nay.

Nhân Lý (Chiêm Hóa) là xã còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí và mức sống của nhân dân không đồng đều nhưng nhờ biết cách khơi thông sức mạnh của nhân dân, dựa vào nhân dân, nhiều việc khó đã hoàn thành. Trong thực hiện các nghị quyết của Đảng ở đây, cán bộ xã, thôn đều đặt nhân dân ở vị trí trung tâm. Dân biết, dân bàn, dân làm là những phương châm và yêu cầu đầu tiên khi triển khai mọi công việc. Ông Hà Đức Mạnh, Trưởng thôn Điểng, xã Nhân Lý kể lại, cùng một lúc, thôn triển khai vừa làm nhà văn hóa vừa lồng ghép cả chương trình xây dựng đường điện thắp sáng. Cả hai chương trình này có hộ phải đóng góp từ 2 triệu đến 3 triệu. Vì vậy, chủ trương làm nhà văn hóa thôn được đưa ra nhân dân bàn bạc kỹ đến khi thống nhất cách làm, mức đóng góp mới triển khai.  Khi cán bộ và nhân dân cùng ngồi bàn bạc với nhau, nhân dân còn hiến kế để thôn triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện của đa số các hộ gia đình. Nhân dân không chỉ đóng góp tiền mặt mà còn đóng góp ngày công lao động để đào đất, san nền, làm móng làm nhà văn hóa, đóng góp mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22-5-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, Tuyên Quang đã đưa vào sử dụng 550 nhà văn hóa thôn, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên, nâng tổng số nhà văn hóa đạt chuẩn đến năm 2020 là 1.228 nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 70,85%, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra là 30,85%. Tổng kinh phí đầu tư trên 255 tỷ đồng, trong đó, kinh phí Nhà nước hỗ trợ cấu kiện bê tông đúc sẵn trên 140 tỷ đồng, chiếm 54,97%, kinh phí nhân dân đóng góp trên 114 tỷ đồng, chiếm 45,03% và tự nguyện hiến trên 36 nghìn m2 đất để thi công nhà văn hóa. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã hoàn thành kiên cố hóa 160 km kênh mương nội đồng bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn. Đến nay, Tuyên Quang đã có 45 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ khơi sức mạnh nhân dân để xây dựng nông thôn mới, đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi…phục vụ chính cuộc sống của nhân dân, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở còn gần dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để vận động nhân dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm như dự án Đầu tư xây dựng đường dẫn cầu và cầu Tình Húc vượt sông Lô, thành phố Tuyên Quang, công trình  xây dựng 2 tuyến đường dọc sông Lô đấu nối với các tuyến Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C, đường Hồ Chí Minh liên kết với đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án Đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Dự án xây dựng đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi Trung tâm huyện Yên Sơn Km14 Quốc lộ 2 Tuyên Quang - Hà Giang...

Trong đó, thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường dẫn cầu và cầu Tình Húc vượt sông Lô, thành phố Tuyên Quang đã vậ động thành công 187 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức đồng thuận nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng để công trình thi công đúng tiến độ. Dự án Đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, giai đoạn 2016 - 2020 cũng đã có 134/134 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng. Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có 339/428 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nhận tiền bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng.

Đối với 6 gói thầu trong triển khai thi công công trình  xây dựng 2 tuyến đường dọc sông Lô đấu nối với các tuyến Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C, đường Hồ Chí Minh liên kết với đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, công tác giải phóng mặt bằng đã đảm bảo kế hoạch đề ra, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Điển hình như gói thầu số 3,4,5, đã có 214/214 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ để bàn giao mặt bằng thi công công trình.

Những công trình đã và đang được thực hiện làm cho diện mạo thành phố Tuyên Quang ngày một thay đổi.

Những kết quả đó đã cho thấy, bất kể chủ trương, nghị quyết nào của Đảng nếu huy động được sức mạnh nội lực trong nhân dân sẽ thắng lợi, bởi “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì quý bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định.

NHỮNG BÀI HỌC QUAN TRỌNG

Muốn nhân dân tin tưởng, đồng thuận thực hiện nghị quyết của Đảng, trước hết cần gần gũi, lắng nghe nhân dân. Từ đó nắm bắt tình hình trong nhân dân, nhất là những vướng mắc, bức xúc của nhân dân để có các giải pháp lãnh đạo, triển khai thực hiện phù hợp. Người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu càng cần phải nêu gương đi trước, hy sinh cả lợi ích của bản thân vì việc chung. Có như vậy, việc khó vận động cũng thành dễ.

Những con đường bê tông nông thôn ở Tuyên Quang.

 Trực tiếp tham gia, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong công việc vận động giải phóng mặt bằng hàng chục năm qua, đồng chí Đỗ Ngọc Thu, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Tuyên Quang chia sẻ: “Công việc vận động nhân dân giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình của Nhà nước quả thực gian nan, vất vả vì động đến đất đai, tài sản, lợi ích sát sườn của nhân dân. Người cán bộ vừa phải nắm chắc, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đối với từng công trình, dự án nhưng cũng phải linh hoạt, mềm dẻo trong vận động, tuyên truyền. Quan trọng nhất đó là phải luôn gần gũi với nhân dân, đứng vào vị trí của người dân để thấu hiểu. Sau đó tham mưu giải pháp vừa thỏa đáng với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân vừa đúng quy định”. Với kinh nghiệm này, chị Thu đã tham gia vận động giải phóng mặt bằng thành công nhiều công trình, dự án trọng điểm của thành phố, của tỉnh.

Đồng chí Dương Văn Thìn, Chủ tịch UBND phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cho biết, những năm gần đây, trên địa bàn phường cùng một lúc phải vận động giải phóng mặt bằng nhiều công trình, dự án quan trọng của tỉnh, thành phố như đường dẫn cầu Tình Húc và cầu Tình Húc, hai tuyến đường dọc bờ sông Lô, tuyến đường từ tổ 18 đi làng Dùm sang Thiền Viện Trúc lâm chính pháp…nhưng đến nay công tác vận động giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn tất. Trực tiếp người đứng đầu UBND phường như anh Thìn nhiều lần đối thoại với nhân dân để lắng nghe nhân dân phản ánh, trình bày tâm tư, nguyện vọng. Anh Thìn luôn rèn cho mình phương pháp lắng nghe khi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để từ đó anh nghĩ cách, tham mưu với đảng ủy chỉ đạo giải quyết. Bởi vậy, có những hộ sau một thời gian dài kiên quyết không nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng để Nhà nước triển khai xây dựng đường dẫn cầu Tình Húc, cuối cùng cũng vui vẻ đồng thuận. Anh Thìn chia sẻ, lắng nghe nhân dân nói, nhân dân phản ánh luôn là bài học trong công tác dân vận của anh.

Chục năm làm Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố 1, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang), đồng chí Lê Văn Vinh nhiều lần đi vận động nhân dân thực hiện các đề án, chương trình, nghị quyết của tỉnh về làm đường bê tông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Đến nay, tổ đã bê tông hóa 100% đường trục chính.

Bài học mà đồng chí Vinh rút ra sau nhiều năm làm trưởng thôn và gắn bó với việc vận động nhân dân thực hiện các nghị quyết của Đảng đó là người cán bộ phải gây dựng được uy tín trong nhân dân, làm đúng, làm đủ theo quy định, đặt lợi ích chính đáng của nhân dân lên trên hết. Cán bộ dù ở cương vị nào, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu và gần gũi với nhân dân. Suy nghĩ như vậy nên công việc gì của tổ, ông Vinh đều có mặt. Có khi ông tuyên truyền trong các buổi họp, có khi lại trong những buổi gặp gỡ, vừa uống trà vừa trò chuyện thân tình với nhân dân.






Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất