Thủ tướng Phạm Minh Chính: với 3 lợi thế rất lớn, Hậu Giang thực sự trở thành điểm đến thành công của các nhà đầu tư


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Với 3 lợi thế rất lớn, Hậu Giang thực sự trở thành điểm đến thành công của các nhà đầu tư

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: Hôm nay là sự kiện hết sức quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng và sức lan tỏa lớn trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trong nước nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh, cần nguồn lực và tinh thần đoàn kết của các cấp lãnh đạo, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà cùng vượt qua thử thách để phát triển.

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bằng sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân trong tỉnh, Hậu Giang đã duy trì tăng trưởng kinh tế dương cùng với sự cải thiện mạnh mẽ, thông thoáng môi trường thu hút đầu tư của tỉnh. Trong tương lai gần tỉnh Hậu Giang có các lợi thế rất lớn như:

Một là, cơ hội lớn: bởi tỉnh điểm giao nhau của 3 tuyến cao tốc sắp hình thành: Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Đăc biệt mới đây nhất ngày 2-4-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định: “Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gần với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang”.

Hai là, tiềm năng khác biệt: Khi các tuyến đường cao tốc được hình thành thì Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh Nam sông Hậu và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu với phần còn lại của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các vùng kinh tế khác của cả nước. Sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho Hậu Giang, đặc biệt liên quan đến phát triển công nghiệp, đô thị và logistics.

Ba là, lợi thế cạnh tranh: Chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tốt nhất. Về lợi thế cơ cấu dân số vàng cùng hệ thống cơ sở đào tạo hiện có, Hậu Giang đáp ứng nguồn nhân lực dồi dào theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Với lợi thế vốn có và tiềm năng mới xuất hiện Hậu Giang thực sự trở thành điểm đến thành công của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.


Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành tại Hội nghị.

Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để chào đón các nhà đầu tư

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng; song, đại dịch Covid-19 cũng mang đến cho chúng ta cơ hội để thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo cách làm, tầm nhìn nhằm thu hút đầu tư. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải sẵn sàng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, nguồn nhân lực để nắm bắt cơ hội, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để chào đón các nhà đầu tư. Vì vậy, để phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu thời gian tới đạt kết quả cao về phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hậu Giang cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan để thực hiện tốt một số công việc trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất - kinh doanh. Làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh tại tỉnh.

Hai là, định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân; tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ba là, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Hậu Giang với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương, đảm bảo tiến độ thực hiện các tuyến đường cao tốc, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang và của vùng.

Bốn là, chú trọng hành lang pháp lý trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án. Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với địa phương, sớm hỗ trợ thẩm định các thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Chính phủ, tạo tiền đề cho tỉnh thực hiện các dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật đất đai, qua đó đã góp phần tạo quỹ đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm là, tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các bộ ngành, Trung ương và địa phương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hỗ trợ thực hiện các thủ tục triển khai các dự án tại địa phương; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, đầu tư phát triển,…


Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành quan sát bản đồ tích hợp các dự án kêu gọi đầu tư công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch tỉnh Hậu Giang tại Hội nghị.

Thủ tướng đề xuất với các doanh nghiệp, nhà đầu tư 

Thứ nhất, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư nhanh, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực; những dự án đăng ký phải là dự án thật, loại bỏ các dự án ảo; đồng thời, quan tâm, có chiến lược kinh doanh lâu dài, lành mạnh, bền vững tại tỉnh Hậu Giang.

Thứ hai, đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, cùng chính quyền địa phương và các đoàn thể chung tay giúp đỡ các gia đình có công, đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ thỏa đáng cho người dân, tạo điều kiện cho người dân địa phương được đào tạo nghề, có công ăn việc làm, phúc lợi xã hội,…

Thủ tướng cũng mong rằng, thông qua hội nghị này, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại Hậu Giang để làm giàu cho chính mình và góp phần vào sự phát triển của tỉnh Hậu Giang và đất nước Việt Nam.

H.Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất