Tiêu chí nào cho hôm nay?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Mục tiêu đặt ra là phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Ngày 16-7-2020 diễn ra Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công. Hội nghị thu hút sự quan tâm của xã hội bởi độ nóng của vấn đề. 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân 6 tháng đầu năm nay là gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch, tăng so cùng kỳ năm ngoái (28,6%) nhưng vẫn thấp so với yêu cầu. Đây không phải vấn đề mới, bởi vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công đã nhiều năm liên tục được nhắc tới nhưng hầu như luôn được đánh giá “giậm chân tại chỗ”. Đến nay có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% nhưng có tới 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, trong đó có 7 bộ, cơ quan Trung ương tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.  

Khi đánh giá cán bộ, tiêu chí quan trọng hàng đầu là kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao và khi tìm nguyên nhân vì sao công việc trì trệ thì bao giờ cũng tìm thấy nguyên nhân chính do cán bộ, bởi ai cũng biết "cán bộ là cái gốc của mọi công việc" và "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém" (Hồ Chí Minh). Nếu lấy kết quả giải ngân là một trong nhiều tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ thì có bao nhiêu cán bộ, nhất là người đứng đầu hoàn thành nhiệm vụ trong khi năm này qua năm khác luôn được gắn mác chậm giải ngân? Nếu lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ là tiêu chí hàng đầu đánh giá cán bộ thì có bao nhiêu cán bộ, người đứng đầu mặc dù được đánh giá chậm giải ngân nhưng cuối năm vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đưa vào quy hoạch cho nhiệm kỳ tới? Tại sao cùng hành lang pháp lý, cùng cơ chế, chính sách nhưng có tỉnh như Ninh Bình giải ngân vốn đầu tư công đạt tới 72%, cam kết đạt 100% trong năm nay và tiếp tục giải ngân hiệu quả nếu được điều chuyển thêm vốn, trong khi nhiều nơi vẫn ì ạch 20%, thậm chí 5%? 

Thời điểm hiện nay, mặc dù nước ta khống chế tốt dịch  COVID-19 nhưng tác động tiêu cực của dịch bệnh rất lớn. Nhân dân đang gặp khó khăn về thu nhập, công nhân mất việc làm, người lao động có tiền lương thấp. Và đất nước đạt tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân chính là các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư Nhà nước, đều chậm, thấp so với nhiệm vụ kế hoạch. Do đó, đầu tư công là một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu để nước ta vượt qua khó khăn. Đầu tư sẽ giải quyết được rất nhiều việc làm, đầu tư thì giải quyết thu nhập cho người lao động, đầu tư góp phần cho tăng trưởng. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Với vai trò quan trọng như vậy, giải ngân nhanh vốn đầu tư công đang nổi lên là một tiêu chí quan trọng đánh giá cán bộ có hoàn thành nhiệm vụ hay không, có xứng đáng được bầu là cán bộ lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới hay không.

Hiện nay các đảng bộ cấp trên cơ sở đã và đang tiến hành đại hội và chuẩn bị cho đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công cũng nên được bàn thảo đến nơi, đến chốn, xác định nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân cụ thể, đề ra biện pháp quyết liệt giải quyết. Không để tồn tại nghịch lý các địa phương, ngành đề nghị được cấp vốn  của Nhà nước để đầu tư phát triển địa phương, ngành, nhưng sau khi nhận vốn không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn, để tồn đọng năm này qua năm khác tạo nút thắt cổ chai cản trở phát triển không chỉ của ngành, địa phương mà của cả đất nước. Trách nhiệm này thuộc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bộ, ngành, địa phương. Đồng thời cũng coi đây là một tiêu chí quan trọng khi đánh giá cán bộ hoàn thành hay không nhiệm vụ được giao. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất