Nâng cao hiệu quả sinh hoạt tư tưởng

Ý nghĩa của sinh hoạt tư tưởng

Sinh hoạt tư tưởng vừa giải quyết vấn đề tư tưởng, vừa góp phần vào việc xử lý những vấn đề cụ thể của chi bộ, đơn vị. Một cuộc sinh hoạt tư tưởng có hiệu quả có nhiều ý nghĩa thiết thực:

Là dịp để đảng viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trong công tác xây dựng đảng…

Là cơ hội để mỗi đảng viên thể hiện những suy nghĩ, bức xúc mà vì một lý do nào đó chưa có dịp bày tỏ, kể cả những việc của cá nhân hoặc những việc của cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng và các vấn đề khác của xã hội.

Đảng viên hiểu, chia sẻ và thông cảm, gắn bó, trân trọng nhau hơn. Mỗi đảng viên tự mình và giúp nhau tu dưỡng, rèn luyện, học tập để nâng mình lên. Từ đó thông suốt tư tưởng, đoàn kết nhất trí, có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Là dịp để đảng viên điều chỉnh suy nghĩ, nhận thức chưa đúng, tránh trở thành “cái loa” tuyên truyền cho những luận điệu xấu, nhất là khi thiếu thông tin mà ngộ nhận điều sai trái là đúng.

Đối với cấp ủy, sinh hoạt tư tưởng là dịp để phát hiện đảng viên trong chi bộ có những biểu hiện không bình thường, lệch lạc về nhận thức, tư tưởng, tình cảm và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Bởi khi đảng viên có những vấn đề tư tưởng nhưng không bộc lộ, không ai biết, lâu ngày “tự diễn biến” trong tư tưởng, nếu không được khắc phục kịp thời sẽ “tự chuyển hóa”, dẫn đến hành động sai trái để lại hậu quả nặng nề.

Yêu cầu để sinh hoạt tư tưởng đạt hiệu quả

Để buổi sinh hoạt tư tưởng có kết quả tích cực, cần có sự tham gia của nhiều phía:

Thứ nhất, cấp ủy cấp trên nên có định hướng với các chi bộ trực thuộc nội dung sinh hoạt tư tưởng trong chi bộ. Có thể là một phần riêng hoặc lồng ghép trong suốt cuộc họp chi bộ.

Thứ hai, cấp ủy, bí thư chi bộ phải tạo được không khí dân chủ, cởi mở, chân thành và thẳng thắn, tạo điều kiện để mọi người có thể thoải mái trình bày ý kiến của mình mà không lo bị quy chụp, đánh giá tư cách, thái độ. Người chủ trì phải làm chủ, dẫn dắt cuộc trao đổi, tránh để các đảng viên công kích lẫn nhau hoặc tranh luận quá đà, không những không giải quyết được vấn đề tư tưởng mà còn làm trầm trọng thêm. Một chi bộ có những đảng viên có uy tín, am hiểu nhiều lĩnh vực, luôn thẳng thắn và tôn trọng các ý kiến khác nhau, nhất là các đồng chí trong cấp ủy mới có thể đưa ra những ý kiến định hướng thiết thực, xác đáng, thuyết phục.

Thứ ba, mỗi đảng viên cần nhận thức mình phát biểu suy nghĩ cá nhân không chỉ thể hiện chính kiến mà còn góp phần vào việc định hướng tư tưởng cho người khác nên phải có sự chuẩn bị tốt, chọn lọc điều cần nói và bằng một phong cách phù hợp. Tức là, bản thân đảng viên nên tự biết cần nói gì, nói cho ai nghe, nói để làm gì và nói như thế nào. Có như vậy thì sinh hoạt tư tưởng mới thực sự có ích cho mỗi đảng viên và cho chi bộ, cho đơn vị. Nếu có những băn khoăn thì chi bộ chính là nơi tốt nhất để chia sẻ, mọi người cùng nghe và giúp đỡ. Với những chi bộ có sự chênh lệch về trình độ giữa các đảng viên, chính các buổi sinh hoạt tư tưởng tạo điều kiện cho các đảng viên cùng chia sẻ nhận thức, quan điểm rút ngắn khác biệt trong nhận thức, suy nghĩ, tư tưởng và hành động.

Thứ tư, thư ký cuộc họp cần ghi chép trung thực vào biên bản các nội dung liên quan đến sinh hoạt tư tưởng. Cần ghi đầy đủ mọi ý kiến, cả những ý kiến băn khoăn, chưa đúng và những ý kiến định hướng cụ thể, rõ ràng. Tránh ghi vắn tắt hoặc “diễn” lệch lạc, làm người khác đọc biên bản hiểu nhầm, không đúng sự việc.

Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, dù là một phần riêng hay lồng ghép thì nội dung sinh hoạt tư tưởng đều rất quan trọng. Sinh hoạt tư tưởng có hiệu quả là điều kiện cơ bản để chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất