Ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Củng cố sức mạnh nội sinh

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng vùng đồng bào DTTS. Trong các văn kiện của Đảng luôn khẳng định quan điểm tôn trọng tính đa dạng văn hóa và chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc, coi đó là tài sản quý báu của toàn xã hội, là điều kiện quan trọng góp phần xây dựng nền văn hóa chung của quốc gia đa dân tộc.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa” và “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc… Từng bước hạn chế xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu”. Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII khai mạc sáng 24-11-2021 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan điểm “văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Dó đo, việc bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, văn hóa DTTS nói riêng đang là vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay.

Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội, xuất phát từ vị trí, vai trò của văn hóa, trước những đòi hỏi của thực tế, yêu cầu của xu hướng phát triển, trên cơ sở kế thừa, tích luỹ những bài học về bảo tồn, phát triển văn hoá DTTS giai đoạn trước, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Công văn 677/HD-BVHTTDL hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”. Đây là dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. Mục tiêu của Dự án là khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các DTTS rất ít người.

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào các DTTS đã đạt được những thành tựu đáng chú ý trên nhiều mặt. Bên cạnh những thành tựu, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa DTTS cũng còn tồn đọng một số vấn đề cần khắc phục: Một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người chưa được bảo tồn và phát huy đúng mức, một bộ phận lớp trẻ có biểu hiện xa rời bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào DTTS còn không ít khó khăn. Vai trò của người DTTS trong trong bảo tồn văn hóa chưa được phát huy. Một bộ phận đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hoá vùng đồng bào DTTS còn thiếu, yếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ là người DTTS. Người có uy tín và các nghệ nhân người DTTS ngày càng ít dần.

Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các DTTS chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách bài bản khoa học, một số loại hình văn hóa nghệ thuật của các DTTS đang đứng trước nguy cơ biến mất. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá nhìn chung thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Việc đưa văn hoá, văn nghệ đến phục vụ đồng bào vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Nhiều vùng đồng bào DTTS còn thiếu các sản phẩm văn hoá, nhất là các sản phẩm văn hoá có nội dung và hình thức phù hợp với trình độ và thị hiếu của đồng bào.

Những bất cập trên xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế còn có nguyên nhân chủ quan như từ nhận thức của các cấp, các ngành, của một bộ phận người dân về vị trí, vai trò của việc bảo tồn, phát triển văn hóa ở vùng đồng bào DTTS còn chưa đúng, chưa đủ, chưa thống nhất cao; việc cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn văn hóa các DTTS còn chưa sâu sắc; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở miền núi, vùng DTTS còn rất thiếu, trình độ không đồng đều, không đáp ứng được yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Gắn văn hóa với phát triển kinh tế

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, với đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, văn hoá nước ta có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Tuy nhiên, cùng đó là nhiều thách thức đặt ra đối với văn hoá các DTTS. Do vậy, việc bảo tồn, phát triển văn hoá các DTTS là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần phải tiếp tục được thực hiện thường xuyên và lâu dài. Đề bảo đảm cho công tác bảo tồn văn hóa DTTS đạt chất lượng hiệu quả cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và mọi người dân đối với việc bảo tồn văn hóa DTTS. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay. Đây không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành văn hóa, cán bộ làm công tác văn hóa và của các DTTS mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Phát huy vai trò của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân nhất là ngành văn hóa trong tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về đổi mới hệ thống chính sách văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của người DTTS là chủ thể đặc biệt quan trọng trong bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, ngành văn hóa ở các địa phương thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi với đồng bào DTTS để nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, đề bạt những công việc liên quan đến bảo tồn văn hóa truyền thống của chính họ. Từ đó, đồng bào có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc các yếu tố văn hóa hiện đại, phù hợp với văn hóa truyền thống.

Hai là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo tồn văn hóa DTTS; đẩy mạnh việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS cho phù hợp, đặc biệt chú ý địa bàn các dân tộc có nguy cơ biến dạng văn hóa, nhất là các dân tộc rất ít người, khu vực biên giới, hải đảo. Tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới, tiến bộ, loại bỏ những hủ tục lạc hậu.

Ba là, đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các DTTS kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Giữ gìn, phát huy văn hóa DTTS phải đi đôi với ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Gắn văn hóa với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào; một mặt, bảo đảm cho văn hóa DTTS được phát huy, phát triển, mặt khác nâng cao ý thức, trách nhiệm của người DTTS với công tác bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Muốn vậy, các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đầu tư cho văn hóa, huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn để gắn kết văn hóa với kinh tế; bảo tồn làng, bản, buôn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, tạo công ăn, việc làm cho người DTTS; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ.

Bốn là, tăng cường các hoạt động giao lưu giữa các dân tộc; xuất bản các sách báo, ấn phẩm bằng ngôn ngữ của đồng bào; khuyến khích các tác phẩm văn hóa nghệ thuật sử dụng tiếng nói và chữ viết của đồng bào DTTS; phát triển và hiện đại hoá mạng lưới thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hoá, thông tin phù hợp. Đẩy mạnh và phát huy hiệu quả công cụ phát thanh, truyền hình phù hợp vùng đồng bào DTTS; tăng cường thuyết minh phim, sản xuất phim sử dụng tiếng nói và chữ viết của đồng bào DTTS; phục dựng các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, lễ hội. Hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các DTTS; định kỳ tổ chức các liên hoan, ngày hội, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa thể thao và du lịch các DTTS theo từng vùng, miền và từng dân tộc.

Năm là, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ làm công tác văn hóa. Cán bộ văn hóa có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền trong việc xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách để lãnh đạo, triển khai sự nghiệp phát triển văn hóa, đảm bảo đúng định hướng, mục tiêu của Đảng, Nhà nước. Do đó, công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn đội ngũ cán bộ văn hóa có tâm, có tầm, có phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín là tiền đề quan trọng để lãnh đạo, quản lý có chất lượng, hiệu quả lĩnh vực văn hóa, nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi để tạo nguồn, phát triển cán bộ văn hóa là người DTTS.

Đối với cán bộ trực tiếp tham gia sáng tác, trình diễn và thực hành văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là trong thực hành, truyền dạy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tài năng nghệ thuật trẻ trong những ngành nghề đặc thù... cần có cơ chế mở, linh hoạt về tuyển dụng, chế độ tiền lương, điều kiện làm việc để họ phát huy tốt nhất tài năng, sức sáng tạo, cống hiến vào sự phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà. Mặt khác, huy động sự tham gia của các nghệ nhân dân gian, già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, bảo đảm tốt nhất quyền công dân trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng thành quả văn hóa.

Trước những thách thức đặt ra của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, càng phải chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung các DTTS nói riêng, tạo nền tảng vật chất, tinh thần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Giữ gìn, phát huy văn hóa DTTS phải đi đôi với ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Gắn văn hóa với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào; một mặt, bảo đảm cho văn hóa DTTS được phát huy, phát triển, mặt khác nâng cao ý thức, trách nhiệm của người DTTS với công tác bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất