Nỗ lực, quyết tâm thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam

Lê Khánh Lương Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Việt Nam quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới trong đời sống gia đình các dân tộc thiểu số - Ảnh: suckhoedoisong.vn

Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới - Ảnh: suckhoedoisong.vn.

Bước chuyển từ nhận thức đến hành động

Năm 2022, thế giới và Việt Nam bước sang giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 với nhiều thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tác động mạnh mẽ đến đời sống nhân dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế. Với quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, an sinh xã hội, quyền của phụ nữ và bình đẳng giới có những bước tiến nổi bật.

Trong các giải pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp và người lao động đã được ban hành và triển khai kịp thời, vấn đề bình đẳng giới, trẻ em đã được lồng ghép một cách thiết thực như: hỗ trợ thêm đối với người lao động đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi; trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19; các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em... góp phần ổn định cuộc sống đảm bảo an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách về giới.

Tính đến cuối tháng 7-2022, Trung ương và các địa phương đã dành gần 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho 728 nghìn lượt người sử dụng lao động, gần 50 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Riêng Nghị quyết số 68/NQ-CP đã hỗ trợ đã hỗ trợ 381,6 nghìn lượt người sử dụng lao động, trên 36,97 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác với tổng kinh phí trên 43,7 nghìn tỷ đồng. Đến tháng 5-2022 đã có 51.668 người lao động mang thai, 592.204 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động và 215.602 trẻ em là người thuộc diện F0, F1 được hỗ trợ.

Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Nổi bật là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 14-11-2022 với 5 nhóm vấn đề mới, quan trọng là phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Dân số... Bên cạnh đó, từ ngày 1-1-2022 nhiều Nghị định mới quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình cũng bắt đầu có hiệu lực thi hành. Cùng với đó, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án... được thực hiện tương đối đầy đủ và toàn diện.

Trong năm 2022, việc thực hiện bình đẳng giới trong một số lĩnh vực đã có những kết quả tích cực. Trong tổng số 20 chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, có 7/20 chỉ tiêu đã đạt hoặc ước tính có thể đạt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; có 12/20 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn với năm 2020 và phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt mục tiêu. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7-2022, xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021, trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt.

Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước đều được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 12-2022, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 14/30, đạt 46,6%. Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt là nữ là 12/22, đạt 54,5%; các cơ quan thuộc Chính phủ có có nữ lãnh đạo chủ chốt là 2/8 (chiếm 25%); có 4 nữ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 12 nữ Thứ trưởng và tương đương. Việt Nam đứng thứ 63 trên thế giới, và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử. Kết quả trên cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước với những chiến lược rõ ràng, nhất quán và phù hợp với thực tiễn quốc gia. Vị thế của phụ nữ Việt Nam đã được nâng lên một tầm mới; tự tin khẳng định bản thân và hội nhập quốc tế.

Mức sống của lao động nữ ngày một được nâng cao. Thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927 nghìn đồng so với năm trước và tăng 759 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,6 triệu đồng, tăng 914 nghìn đồng so với năm trước và tăng 709 nghìn đồng so với cùng năm 2019. Chênh lệch thu nhập bình quân giữa lao động nam và nữ được rút ngắn từ 1,4 lần xuống 1,35 lần.

Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo tiếp tục được thu hẹp, tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học là 94,1%, trung học cơ sở là 82,3%, trong khi chỉ tiêu đề ra vào năm 2025 là trên  90% đối với bậc tiểu học và 85% đối với trung học cơ sở. Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 34,5%, tăng 8,2% so với năm 2019.

Các hoạt động hợp tác quốc tế về bình đẳng giới được đẩy mạnh. Việt Nam đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu tại Thái Lan; Khóa họp trực tuyến lần thứ 66 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hiệp quốc; Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC; hoàn thành tốt trách nhiệm là thành viên Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW), Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC)… cũng như các diễn đàn hợp tác đa phương và song phương về bình đẳng giới của LHQ. Tích cực, chủ động đóng góp các nội dung về bình đẳng giới, bảo vệ, thúc đẩy quyền và vai trò của phụ nữ tại Ủy ban 3 Đại hội đồng Nhân quyền; chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình, An ninh và Hội đồng Bảo an với những nội dung về bảo đảm sự tham gia bình đẳng, đầy đủ của phụ nữ trong quá trình ra quyết định, lồng ghép quan điểm giới và sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong phòng ngừa, giải quyết, tái thiết hậu xung đột, đề xuất sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng như các dự thảo nghị quyết có nội dung liên quan tới bình đẳng giới, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. 

Công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực với phụ nữ và trẻ em tiếp tục được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Đặc biệt là trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội, công tác truyền thông về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực với phụ nữ và trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn được đẩy mạnh; các Mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới với tên gọi Ngôi nhà Ánh Dương tiếp tục được vận hành và nhân rộng. 100% số nạn nhân bị mua bán trở về có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện với hình thức đa dạng, phong phú. Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 được tổ chức trên toàn quốc với hơn 30.000 hoạt động hưởng ứng (tăng 10% so với năm 2021), thu hút sự tham gia trực tiếp của hơn 1,5 triệu người và hơn 5 triệu người thông qua các sự kiện trực tuyến. Công tác tập huấn, truyền thông nâng cao năng lực, nhận thức, lồng ghép về bình đẳng giới đã được triển khai đồng bộ trên cả nước, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng hướng tới nhiều nhóm đối tượng.

Tăng cường nguồn lực thúc đẩy bình đẳng giới

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, khoảng cách giới tại Việt Nam vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 đã làm tăng tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ cao hơn so với lao động nam; công việc chăm sóc không được trả công trong gia đình phát sinh nhiều hơn và phụ nữ vẫn là lực lượng chính thực hiện các công việc này; vấn đề giới trong bối cảnh COVID-19 mặc dù đã được quan tâm song chưa đáp ứng hết các nhu cầu… Những tồn tại này đã phần nào làm tăng khoảng cách giới trong lao động việc làm, gia đình, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Mặt khác, định kiến giới vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân và ngay cả với đội ngũ cán bộ, công chức và bản thân phụ nữ, đặc biệt là trong bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu. Việc duy trì, nhân rộng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới mặc dù đã được triển khai trong giai đoạn 2021-2030 tại nhiều địa phương nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về nguồn lực.

Nhằm góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, cần thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các chương trình hành động cũng như những giải pháp sau:

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các qui định về bình đẳng giới.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, tập trung nghiên cứu, rà soát, đánh giá để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới; sớm hoàn thiện dự thảo Luật Dân số; Luật Chuyển đổi giới tính và các văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới.

Lồng ghép triển khai các nội dung, hoạt động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về bình đẳng giới; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giới; từng bước mở rộng và chuẩn hóa hệ thống cơ sở dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực; triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế; huy động sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cũng như chuyên môn của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021, trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất