Nhà văn Sơn Tùng: Búp sen tỏa hương mãi mãi

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gắn danh hiệu Anh hùng Lao động tặng nhà văn Sơn Tùng (tháng 7-2011) (Ảnh: Tư liệu)

Vào Đảng để được gương mẫu đi đầu

Nhà văn Sơn Tùng sinh ngày 8-8-1928 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Vốn siêng năng học chữ từ nhỏ nên khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông xung phong đi dạy bình dân học vụ rồi tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc để hướng tới Đảng như cây tùng, cây bách hướng về phía mặt trời. Tròn 20 tuổi, ông đã được toại nguyện, được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tâm nguyện của ông là vào Đảng để được gương mẫu đi đầu, sẵn sàng hy sinh cho đất nước, cho dân tộc, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Và cuộc đời ông là một minh chứng hùng hồn nhất cho sự gắn bó thủy chung, sự tận hiến của một nhà văn với Đảng, vì lợi ích cao nhất của đất nước và dân tộc.

Như một lời thề trước lá cờ Đảng, ông đã luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất, nơi cần những con người ưu tú, dám chấp nhận hy sinh. Năm 1949, khi thực dân Pháp và bọn phản động lôi kéo, kích động thanh niên công giáo đi lính cho chúng, ông được cử ra huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) để bí mật vận động phong trào. Chính trong thời gian này đã cho ông cơ hội được gặp gỡ và làm quen bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm là chị và anh trai của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ có mối thân tình này mà Sơn Tùng sớm ý thức được việc ghi chép về lai lịch thời thơ ấu của Bác Hồ, phục vụ cho việc sáng tác văn chương sau này.

Quá trình hoạt động cách mạng đã thôi thúc, rèn luyện ông trở thành một người “chiến sĩ cầm bút” đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Cuối năm 1967, để chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, nhà báo Sơn Tùng được Báo Tiền Phong và Trung ương Đoàn giao nhiệm vụ làm Phó Trưởng đoàn, chi ủy viên K159 vượt Trường Sơn vào Chiến trường B2, miền Đông Nam Bộ thành lập Báo Thanh niên giải phóng. Ở chiến trường, ông đã trực tiếp cầm súng và cầm bút mưu trí chiến đấu với kẻ thù. Ngày 15-4-1971, trong một trận càn quét của Mỹ vào căn cứ, ông bị thương nặng trong hầm và người moi hầm để cứu và cõng ông lúc đó là đồng đội Sáu Phong, sau này là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Chân dung nhà văn Sơn Tùng (Ảnh: Tư liệu).
Một nghị lực phi thường

Ngẫm về cuộc đời của nhà văn Sơn Tùng, PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương từng bộc bạch: “Nếu ai đó ví nhà văn Sơn Tùng như là nhà văn Nga Ni-cô-lai Ô-xtơ-rốp-xki - tác giả huyền thoại của tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” thì điều đó đúng một cách hiển nhiên”. Bởi sau khi rời quân ngũ, nhà văn Sơn Tùng đã trải qua hơn 10 năm trời khổ luyện trong đau đớn thân xác, tay phải của ông mới cầm được bút viết. Có lúc, ông phải nhờ vợ con dùng dây cao su buộc ngón tay cái và ngón tay giữa để cầm giữ được cây bút. Và khi “làm chủ” được cây bút, ông tiếp tục viết báo và dũng cảm bước vào nghiệp văn mà ông đã ấp ủ từ trước.

Và như sự lựa chọn của số phận, nhà văn Sơn Tùng đã dành nhiều tâm huyết, công sức và tài năng cho đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tuổi trẻ của Bác. Ông đã xây dựng thành công hình tượng Bác, thân phụ, thân mẫu cũng như anh chị và cả một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc. Đây được đánh giá là đề tài không dễ, đòi hỏi phải có sự giao hòa giữa lịch sử và văn chương, nhà văn phải thổi hồn vào nhân vật của mình trên tinh thần tôn trọng lịch sử mà nhất là nhân vật lại là lãnh tụ của dân tộc. Thế rồi với quan điểm: “Viết về Bác nếu chỉ đơn thuần là những hiểu biết thông thường thì không thể viết được mà phải viết bằng tâm linh”, ông đã vượt qua và được Giáo sư Phan Ngọc nhận xét là “người có uy tín nhất viết về tiểu sử Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh tiểu thuyết “Búp sen xanh”, ông còn có một số tác phẩm có giá trị về Bác, như: “Bông sen vàng”, “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh”, “Bác về”, “Từ làng Sen”, “Bác Hồ cầu hiền tài”, “Bác ở nơi đây”, “Kỷ niệm Tháng Năm”… rồi kịch bản điện ảnh “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” (chuyển thể thành phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn). Những trang viết của nhà văn Sơn Tùng, dù viết thiếu nhi hay người lớn, viết truyện trong nước hay nước ngoài, bao giờ cũng dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam và như “Búp sen xanh” mang đậm hồn cốt văn hóa của xứ Nghệ. Nhưng có lẽ ngoài giá trị văn học thì cũng cần đánh giá trên sự phi thường vươn lên, “tinh thần thép” của một người cầm bút luôn cháy bỏng tình yêu và trách nhiệm với Đảng và Bác Hồ. Bạn đọc càng thêm rung động khi biết rằng có những tác phẩm nhà văn Sơn Tùng viết trong những cơn sốt vật lộn cùng bệnh tật của một thương binh nặng, có những hôm trái gió trở trời ông đã viết khi mà máu chảy ra ở tai và mũi.

Cảm động trước nghị lực vươn lên của nhà văn Sơn Tùng, sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Một nhà văn chỉ còn ba ngón tay mà vẫn bấu vào được cuộc đời và làm việc bằng óc, dẫu bộ óc ấy còn găm ba mảnh đạn”. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng dành những lời lẽ đầy cảm phục về tác giả “Búp sen xanh”: “Đó là một con người có trí mệnh… Một con người có chí hướng cách mạng, là một đảng viên trung kiên… Anh là một học trò xứng đáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Còn đối với riêng tôi, anh là một người bạn chí thiết”.

Cơ quan Trung ương Đoàn đến trao Huy hiệu 70 năm tuổi đảng cho nhà văn Sơn Tùng tháng 5-2018 (Ảnh: Tư liệu).

Bình dị giữa đời thường

Là một nhà văn lớn, một Anh hùng Lao động và cũng là một thương binh hạng nặng nhưng nhà văn Sơn Tùng lại không có biểu hiện của một công thần. Cả cuộc đời ông sống chật chội trong căn phòng chưa đến 20 mét vuông ở ngõ Văn Chương (phố Khâm Thiên, Hà Nội) mà trong đó những cuốn sách đã chiếm gần hết diện tích. Nhiều người gọi nhà văn Sơn Tùng là “ông đồ gàn xứ Nghệ” có lẽ từ câu chuyện vào khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, Thành đoàn Hà Nội có nhã ý giúp ông và gia đình một chỗ ở rộng rãi hơn trước. Chủ trương manh nha là vậy, nhưng khi bắt tay thực hiện thì sự nhiêu khê của thủ tục hành chính trói buộc nhiều bề. Ông bàn với vợ con bằng một chữ chắc nịch: “Thôi !”.

Có một câu chuyện cảm động mà tôi được nghe kể là vào năm 2018, nhân dịp sinh nhật Bác Hồ, nhà văn Sơn Tùng được cơ quan Trung ương Đoàn đến trao Huy hiệu 70 năm tuổi đảng. Khi ấy ông đang bị tai biến, dù không nói được một lời nào nhưng gương mặt, ánh mắt thì rất xúc động, tự hào. Khi được mọi người thăm hỏi, động viên, bà Hồng Mai – vợ nhà văn đều ghé sát tai chồng hỏi: “Anh có đồng ý không?” và đều nhận được cái gật đầu mãn nguyện của ông. Lúc đoàn khách ra về, một người con của nhà văn định tháo Huy hiệu Đảng trên áo để ông nằm nghỉ ngơi, thì ông bỗng khẽ nói: “Để đấy!”. Dường như ông muốn được giữ bên mình lâu hơn, cảm nhận rõ hơn tấm huy hiệu mà suốt cả cuộc đời mình đã phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cao đẹp của Đảng.

Lá rụng về cội, cuối cùng cũng không thể cưỡng lại được quy luật của đất trời, nhà văn Sơn Tùng đã đi gặp nhân vật của “Búp sen xanh” vào lúc 23 giờ ngày 22-7 trong vòng tay ấm áp của gia đình, người thân. 93 năm tuổi đời, 73 năm tuổi đảng, nhà văn Sơn Tùng có thể nói đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một công dân trên cõi tạm. Cuộc đời ông mãi là minh chứng sống động nhất, hùng hồn nhất cho một lớp người sống và chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp, nguyện đi theo Đảng và Bác Hồ bằng tấm lòng son sắt, bằng tình yêu và trách nhiệm lớn lao. Chính nghị lực, tâm hồn và khát vọng của những người sáng tạo văn học nghệ thuật về Bác Hồ như ông đã gợi mở, thôi thúc, động viên những người cầm bút hôm nay và mai sau tiếp tục cầm bút làm sáng lên hình tượng của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân.

Sự ra đi của nhà văn, thương binh Sơn Tùng đúng vào dịp cả nước đang có nhiều hoạt động tri ân hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ càng làm cho chúng ta thêm nghẹn ngào, xúc động. Ông như búp sen tỏa hương mãi mãi.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất