Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đổi mới hệ thống chính trị

Quang cảnh Hội thảo quốc gia lần thứ ba về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Là nhiệm vụ rất quan trọng nên từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng năm 2045, gồm 21 thành viên, trong đó có 9 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng. Đề án xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, tư pháp theo nguyên tắc pháp quyền song hành với kiểm soát quyền lực, đồng thời xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với tinh thần quyết liệt, hiệu quả. Ba hội thảo quốc gia đã được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh để khơi dây trí tuệ, trước hết của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhưng đồng thời là của toàn xã hội, khởi động và kích hoạt tư duy của xã hội để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Nghiên cứu lý luận và lịch sử về nhà nước và pháp luật cho thấy, nhà nước pháp quyền là một trong những giá trị chung của nhân loại tiến bộ, đề cao pháp luật, thể hiện ước muốn, khát vọng của con người về một xã hội dân chủ và bình đẳng. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ rất sớm và thể hiện ngày càng rõ hơn trong Hiến pháp năm 1946, Cương lĩnh 1991. Sau đó, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Đại hội VII đã chính thức xác định: "Xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân". Cương lĩnh 2011 khẳng định: "Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo" là một trong 8 đặc trưng của xã hội XHCN Việt Nam. Đến Đại hội XIII, Đảng ta lần đầu tiên đề ra nhiệm vụ "Nghiên cứu ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam...".

Theo đó, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quá trình Nhà nước ta thiết lập và vận hành những nguyên lý, đặc trưng phổ quát, tiến bộ của nhà nước pháp quyền hiện đại, mang định hướng XHCN, bảo đảm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam, là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do Đảng lãnh đạo, nhằm mục tiêu phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Do đó, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân.

Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân càng được đặt ra rất cấp bách. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Đảng, thể hiện bản chất của chế độ XHCN, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là một quá trình rất lâu dài, cần nhiều sự nỗ lực đóng góp của cả hệ thống chính trị về lý luận và thực tiễn. Kết quả đạt được sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tương lai.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất