Phát triển đảng viên ở các trường THPT - Những vấn đề đặt ra (tiếp theo)

Bài 2: Thúc đẩy phong trào dạy và học


Buổi lễ kết nạp đảng viên tại Trường THPT Nam Sách (Hải Dương).

Tiếp thêm động lực cho giáo viên

Hiện nay, cách làm phổ biến trong tổ chức kết nạp học sinh phổ thông được các trường tiến hành là: Ngay từ khi vào học lớp 10 đã tổ chức phân loại học sinh, tuyên truyền cho học sinh hiểu những kiến thức cơ bản về Đảng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng cùng phương thức lãnh đạo của Đảng, ý nghĩa của việc vào Đảng... từ đó định hướng để học sinh viết đăng ký tình nguyện phấn đấu học tập, rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tổ chức đảng các nhà trường rà soát cá nhân đạt đủ 18 tuổi khi ra trường, phân công đảng viên là chủ nhiệm lớp kèm cặp, giúp đỡ; phân công Đoàn Thanh niên thử thách, theo dõi thông qua giao nhiệm vụ. Hằng năm chi bộ, tổ chức đảng kiểm tra, đánh giá quá trình rèn luyện, theo dõi, giúp đỡ “hạt nhân” và tổ chức cho “hạt nhân” tham gia lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng... Khi các học sinh đã hội đủ các tiêu chí thì tiến hành quy trình kết nạp vào Đảng theo đúng thủ tục, nguyên tắc, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, khách quan và công khai.

Qua khảo sát ở nhiều nơi chúng tôi nhận thấy, quy trình này được tiến hành rất chặt chẽ và tạo ra nhiều đảng viên ưu tú, thúc đẩy phong trào dạy tốt, học tốt ở các nhà trường thực chất.

Ở Nghệ An, việc tổ chức tạo nguồn học sinh THPT ưu tú để kết nạp vào Đảng phát triển rất mạnh, được nhiều trường thực hiện. Theo thống kê sơ bộ, năm 2021, các trường PTTH trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã kết nạp được vài trăm học sinh ưu tú vào Đảng. Phong trào cũng đang được một số tỉnh, thành phố triển khai. Trong giai đoạn 2015-2020 các trường THPT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã kết nạp được 61 đảng viên là học sinh. Ở tỉnh Bình Định, trong giai đoạn 2016-2020, các tổ chức đảng của tỉnh này đã kết nạp vào Đảng được 1.354 học sinh, sinh viên, trong đó có khoảng 30% là học sinh THPT. Ở tỉnh Hải Dương, trong 6 tháng đầu năm 2021, kết nạp 16 đảng viên là học sinh. Ở tỉnh Thanh Hóa, việc kết nạp vào Đảng đối với học sinh đã được các trường THPT được chú trọng, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong 6 năm (từ 2016 đến 2021) các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có tổng số 446 học sinh được kết nạp vào Đảng. Ở tỉnh Hà Tĩnh, trong 3 năm (từ 2017 đến 2019) các trường THPT toàn tỉnh đã cử 1.772 học sinh tham gia lớp cảm tình Đảng; năm 2018-2019, toàn tỉnh có 727 học sinh được học lớp cảm tình Đảng, trong đó có 223 học sinh được kết nạp; năm học 2019-2020 có 236 học sinh được kết nạp vào Đảng.

Chúng tôi đem vấn đề kết nạp đảng viên là học sinh THPT hỏi một số giáo viên thì nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Ở các trường THPT ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương và một số trường ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều thầy giáo cho rằng, đây là việc giúp các giáo viên có thêm động lực trong giảng dạy.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Cao Thanh Tuấn, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 4 (Nghệ An) thổ lộ, hằng năm, căn cứ chỉ tiêu phát triển đảng viên của Huyện ủy Quỳnh Lưu đề ra, cấp ủy, Chi bộ nhà trường đặt ra các chỉ tiêu phấn đấu vừa sức. Chi bộ cũng xây dựng các tiêu chí trở thành đảng viên để cho cả giáo viên trẻ và học sinh phấn đấu, trong đó kết quả học tập, rèn luyện đạo đức và tham gia hoạt động Đoàn được xem là phẩm chất quan trọng. Đối với học sinh, phải xem xét kết quả học tập có đạt giỏi không; việc rèn luyện từ khi bắt đầu vào trường như thế nào rồi mới lựa chọn, đưa vào nguồn bồi dưỡng, thử thách. Đoàn Thanh niên sẽ giao nhiệm vụ để rèn luyện, theo dõi, giúp đỡ. Các giáo viên chủ nhiệm được tổ chức đảng giao nhiệm vụ kèm cặp trực tiếp. Theo thầy Tuấn, việc bồi dưỡng đối tượng kết nạp vào Đảng cho học sinh tuy mất thời gian nhưng không quá nhiều và hoàn toàn không ảnh hưởng quá lớn đến việc dạy học và tổ chức các hoạt động ngoại khóa của Nhà trường. Thầy Tuấn cho biết, trong thực tế, những trường hợp học sinh đi học cảm tình Đảng tập trung do Huyện ủy tổ chức sẽ được nhà trường bố trí học bù để theo kịp chương trình chung. Cũng trong thực tế, đa phần những học sinh được lựa chọn tạo nguồn đều là các em có ý thức, học lực rất tốt nên cũng không bị gián đoạn, ảnh hưởng nhiều.

Trường THPT Quỳ Hợp 2 (Nghệ An) được thành lập cách đây 24 năm và thành tích giáo dục ở mức trung bình của tỉnh. Từ năm 2016, sau khi quán triệt chủ trương kết nạp vào Đảng cho học sinh và cùng với nhiều chủ trương trong lãnh đạo, quản lý, phong trào dạy tốt, học tốt được đẩy mạnh và cho kết quả tăng hằng năm. Từ năm 2019, Chi bộ nhà trường kết nạp được 1 đảng viên là học sinh. Sang năm 2020, nâng lên 3 học sinh và năm 2021 thêm 5 học sinh. Đáng chú ý, chất lượng học sinh năm 2021 được gọi là kỳ tích. Theo thầy Phan Văn Sơn, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường: Năm 2018, có hơn 400 em học sinh nhập trường với điểm đầu vào thấp nhất tỉnh. Ngay cả các lớp chọn, điểm đầu vào cũng chỉ 14-15 điểm. Tuy nhiên, sau 3 năm học, lần đầu tiên Nhà trường có 100% học sinh tốt nghiệp THPT, có nhiều học sinh đậu vào các trường đại học tốp đầu cả nước, làm rạng danh vùng quê nghèo miền núi khó khăn. Đặc biệt, toàn bộ học sinh lớp 12A1 và 12A2 đều trúng tuyển nguyện vọng 1, nhiều em đạt điểm cao như Đậu Ngọc Hà Phương (28,9 điểm) trúng tuyển Học viện Quân y, Nguyễn Quán Thục Anh (28,75 điểm) trúng tuyển Đại học Ngoại thương, Nguyễn Tiến Hưng (28,55 điểm) trúng tuyển Học viện Hậu cần… Và nhiều em đậu vào các trường đại học, như: Bách khoa Hà Nội, Y Hà Nội, Học viện Tài chính… Đặc biệt, lớp có 3 em được tuyển thẳng là Hoàng Thái Sơn, Nguyễn Trí Đạt (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Phan Văn Tài Nguyên (Đại học Sư phạm Hà Nội). 

Khảo sát ở các trường THPT: Nam Đàn 1 (Nghệ An), Nông Cống 3 (Thanh Hóa) và Nam Sách (Hải Dương), những ngọn cờ đầu trong công tác bồi dưỡng, kết nạp học sinh vào Đảng chúng tôi nhận được những cách làm rất hiệu quả. Cô Nguyễn Thúy Hà, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sách cho biết, Đảng ủy phân công một Phó Bí thư phụ trách việc này và phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Huyện ủy nên nắm chắc quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên. Quá trình tổ chức được thực hiện mang tính dài hơi và cần đến sự tâm huyết, trách nhiệm, thường xuyên và liên tục. Đó là quá trình đặt ra chỉ tiêu, lãnh đạo thực hiện chỉ tiêu bằng các giải pháp hết sức linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả. Bên cạnh đó, chị Hà cũng khẳng định, nhờ đưa tiêu chí kết nạp đảng viên gắn với hoạt động thực tiễn nên phong trào dạy học của giáo viên và việc học tập của học sinh được nâng lên. Chất lượng giảng dạy tăng hằng năm đã cho thấy hướng đi này rất đúng.

Tiếng nói đồng tình từ phụ huynh

Hiện nay có luồng dư luận cho rằng, chương trình học tập của học sinh THPT là quá nặng và các em phải tập trung học, ôn thi rất nhiều nên việc tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoài chương trình học là không nên, đặc biệt là việc kết nạp vào Đảng là chưa phù hợp thời điểm. Trước vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc khảo sát nhiều phụ huynh học sinh ở một số địa phương có các trường THPT làm tốt công tác kết nạp đảng viên và nhận được sự đồng tình với cách làm của các trường.

Trò chuyện với Trần Đức Tuấn Kiên, người được kết nạp vào Đảng tại Trường THPT Nam Sách (Hải Dương) chúng tôi thu được những điều thú vị. Kiên tâm sự: “Ngay từ khi học lớp 10, được các thầy, cô giáo hướng dẫn, tuyên truyền; bố mẹ động viên, khuyến khích nên em đã tìm hiểu về Đảng và phấn đấu rèn luyện để sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Khi được kết nạp vào Đảng, em thấy mình chín chắn, suy nghĩ kỹ hơn trước khi định làm bất cứ việc gì”. Kiên cho rằng, việc phấn đấu vào Đảng giúp bản thân học tốt hơn và không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập. Bố mẹ Kiên cũng hết sức ủng hộ ý muốn của em.

Chị Quán Thị Thủy ở Quỳ Hợp (Nghệ An) mà chúng tôi đã đề cập ở bài 1 thì cho rằng, trong cuộc sống hiện đại, phụ huynh học sinh rất bận và thường để cho các con tự học, tự lo liệu cuộc sống cá nhân theo ý thích cũng như theo định hướng chương trình học tập, hoạt động của nhà trường. Chị Nguyễn Thị Lý ở Nam Sách nhớ lại, chị rất phấn khởi khi được cô giáo chủ nhiệm thông báo trong buổi họp phụ huynh về việc con chị là cháu Đặng Hùng Sơn được đưa vào nguồn bồi dưỡng, theo dõi, thử thách để rèn luyện thành đảng viên. Chị cho rằng, việc phấn đấu này giúp cháu học tốt hơn, chăm chỉ hơn, sống có kỷ luật và không sa vào các cám dỗ từ các trò chơi điện tử thông minh.

Từ thực tế khảo sát cách làm tại các trường THPT kết nạp được nhiều học sinh vào Đảng, chúng tôi thấy rằng, việc này được tiến hành có sự đồng thuận của học sinh, của phụ huynh và thúc đẩy phong trào dạy và học của nhà trường chứ không hề khó khăn, mất thời gian. Từ đây chúng tôi rút ra, nếu tích cực tổ chức thực hiện thì chắc chắn sẽ thu được kết quả tốt. Như vậy, bài toán đặt ra đã có lời giải bởi vấn đề là các trường THPT có quan tâm làm hay không mà thôi.

(Còn nữa)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất