Đổi mới tư duy trong phòng, chống dịch Covid-19

1. Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 như một “trận cuồng phong” vi-rút dữ dội và nguy hiểm càn quét qua hầu hết các quốc gia trên thế giới, không phân biệt biên giới, giàu nghèo, sắc tộc, màu da, lứa tuổi, giới tính, tín ngưỡng…, ảnh hưởng trầm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan rất nhanh, độc lực mạnh đã gây ra rất nhiều thiệt hại cả người và của cho đất nước ta, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cùng các địa phương đã có những hành động quyết liệt phòng, chống dịch với quan điểm tính mạng con người là trên hết, trước hết, đồng thời ban hành chính sách đúng đắn, kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh, cứu trợ người dân, giảm bớt thiệt hại cho nhân dân và Nhà nước.

Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 7-10-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, truyền thống đoàn kết, yêu nước, "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" của dân tộc ta lại tiếp tục được phát huy cao độ. Nhờ đó, đã kiểm soát được đợt dịch bùng phát lần thứ 3; kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá, ở mức 5,64%, cao hơn cùng kỳ năm trước”. Tổng Bí thư cũng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và cộng đồng các doanh nghiệp cả nước; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch Covid-19 thời gian qua. Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương chia sẻ sâu sắc những tổn thất, mất mát về người và của mà nhân dân ta đã phải gánh chịu; ghi công, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành Y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã dũng cảm hy sinh quên mình vì sinh mệnh, sức khoẻ và cuộc sống yên bình của nhân dân.

2. Khi Việt Nam bắt đầu xuất hiện những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, nhiều người cảm thấy lo lắng, sợ hãi, nhưng tất cả đều quyết tâm “chống dịch như chống giặc”. Chúng ta đã thực hiện thành công mục tiêu “không Covid-19” bằng chiến lược “ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm, truy vết, khoanh vùng, phong toả, cách ly tập trung - dập dịch, điều trị hiệu quả”. Thành công đó đã được Tổ chức Y tế Thế giới và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Từ tháng 4-2021, dịch bệnh bùng phát ở các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp với diễn biến phức tạp, đất nước ta đã trải qua những thời khắc hết sức khó khăn. Đến nay tuy dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước. Dự báo đến hết năm 2021 và trong năm 2022, cả trong nước và trên thế giới, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ có thể bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Không quốc gia, không nền y tế hiện đại nào dám khẳng định đủ sức chống đỡ nếu dịch tiếp tục bùng phát trầm trọng hơn. Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối, do đó chúng ta cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt", hoặc "sống chung" với dịch bệnh.

Bối cảnh dịch bệnh đã thay đổi, chúng ta phải đổi mới tư duy chống dịch, học cách thích nghi, không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp cũ cho một tình huống mới. Cách can thiệp mạnh mẽ bằng biện pháp phong toả, giãn cách toàn xã hội trong thời gian dài có lẽ không còn tác dụng nữa, sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Hơn nữa, các công cụ chống dịch giờ đây đã thay đổi, đồng thời hiểu biết của chúng ta về dịch bệnh cũng đầy đủ hơn trước rất nhiều thì hiển nhiên, khung tư duy và khung chính sách chống dịch cũng không thể như cũ.

Sự thay đổi quan trọng nhất là thay đổi quan điểm về “không Covid”. Từ chỗ chúng ta kiên trì trong mười mấy tháng qua với tư duy “không Covid”, thì bây giờ chúng ta hiểu rằng “không Covid” là khó khả thi, nhất là trong điều kiện dịch đã ngấm sâu và lan rộng như ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Trên thế giới, ngay cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cao nhất, hay các quốc gia kiên định với “zero Covid” thì giờ đây cũng phải thừa nhận điều ấy là bất khả thi.

3. Cần thay đổi quan điểm từ chỗ nói “không” với Covid-19 sang hướng chấp nhận có F0 trong cộng đồng, giảm thiểu tử vong, kiềm chế số ca mắc, để phát triển kinh tế - xã hội một cách an toàn và bền vững. Kinh nghiệm ở một số địa phương cho thấy, thực hiện các giải pháp đồng bộ cùng với vắc-xin và các biện pháp phòng dịch tích cực, dịch đã được kiểm soát, giảm nhanh số tử vong, khi chấp nhận số mắc vẫn ở một mức độ cao trong lúc sức chịu đựng của nền kinh tế và đời sống xã hội đã đến giới hạn, việc mở cửa dần từng bước đã được bắt đầu, có thể nói là an toàn theo chiều hướng rất tích cực.

Sự chấp nhận có F0 trong cộng đồng cũng có nghĩa là “kẻ thù tàng hình” này đang ở quanh ta, có khi là ở ngay trong ta nhưng không biểu hiện triệu chứng và có thể lây lan ra cộng đồng, bùng phát mạnh bất cứ lúc nào. Vậy sự thích ứng an toàn và kiểm soát dịch bệnh dưa trên cơ sở nào? Tại buổi giao ban Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: phải có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trong phòng, chống dịch bệnh, công tác phòng ngừa có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định trong bối cảnh độ bao phủ vắc-xin chưa cao. Quán triệt thực hiện nguyên tắc 5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân, kết hợp với 3 trụ cột chính là cách ly, xét nghiệm, điều trị. Cách ly cần thực hiện ở phạm vi hẹp nhất có thể, phải chặt chẽ, đúng nguyên tắc, bảo đảm hiệu quả. Xét nghiệm phải khoa học, hiệu quả, tốc độ xét nghiệp phải nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Điều trị phải có sự phân loại, chăm sóc, tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để dẫn đến quá tải hệ thống y tế và khủng hoảng y tế, hạn chế thấp nhất các ca tử vong. Đồng thời thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không được lơ là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

4. Chính phủ nhận định, do tác động của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng quý III năm 2021 giảm sâu, kéo tăng trưởng 9 tháng chỉ đạt 1,42% nhưng nền kinh tế vẫn có những điểm sáng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Sản xuất khu vực nông nghiệp vẫn là điểm sáng, giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. An ninh lương thực, thực phẩm được đảm bảo. Trên 70% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất - kinh doanh quý IV năm 2021. Vốn FDI đăng ký 9 tháng ước đạt 22,15 tỷ đô-la Mỹ, tăng 4,4%, trong đó số các dự án quy mô lớn tăng mạnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để xử lý, khắc phục trong đó nổi lên là: Nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh, lưu thông hàng hóa bị đình trệ, chi phí tăng cao; một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy cục bộ; nguy cơ nợ xấu gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Việc làm, sinh kế, đời sống một bộ phận người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát...

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay, “chỉ có sự lựa chọn tối ưu, không có sự lựa chọn hoàn hảo”. Tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp, nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất - kinh doanh. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá và các cân đối lớn của nền kinh tế, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực, để thích ứng với trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp từ năm 2022 trở đi.

Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, chỉ có tiếp tục cương quyết tìm biện pháp phù hợp, mạnh dạn đương đầu với thách thức mới có thể sớm hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, phục hồi toàn diện nền kinh tế, hướng đến giữ vững vai trò, vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu dùng trong khu vực lẫn kết nối toàn cầu.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất