Sóc Trăng tạo “đột phá” trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (ngồi giữa) tại Hội nghị trực tuyến sơ kết Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 7-10-2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (ngồi giữa) tại Hội nghị trực tuyến sơ kết Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 7-10-2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, trong những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Trong đó, đã tập trung lãnh đạo xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC hằng năm và từng giai đoạn; kịp thời ban hành các văn bản quy định về chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể kịp thời tổ chức quán triệt và thực hiện các nhiệm vụ về công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; tập trung tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và nâng cao ý thức, trách nhiệm và tinh thần tự giác học tập, rèn luyện của CBCCVC.

Tỉnh dành nguồn ngân sách thỏa đáng, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC được trang bị khá đầy đủ. Các cơ quan có liên quan và các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC theo kế hoạch.

Nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC phong phú, đa dạng, có nhiều đổi mới; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng từng bước được nâng lên.  Trong đó, công tác đào tạo lý luận chính trị từng bước đi vào nền nếp, có sự phân cấp cụ thể về thẩm quyền đào tạo từng cấp học (cao cấp, trung cấp và sơ cấp) theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Việc cử cán bộ tham gia đào tạo lý luận chính trị được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch bảo đảm nhất quán và chặt chẽ; quan tâm đào tạo gắn với quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số (Khmer). Công tác bồi dưỡng ngày càng thiết thực theo hướng có trọng tâm, phù hợp vị trí việc làm của từng CBCCVC…

Trong 5 năm (2016 2020), toàn tỉnh có 70.638 lượt CBCCVC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức công vụ, kiến thức pháp luật, hội nhập quốc tế, quốc phòng và an ninh. Ngoài ra, còn có 2.004 cán bộ, đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị.

Đến năm 2021, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện đã cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị; trong đó có 100% cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý đạt trình độ cao cấp. Về chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, có 31 cán bộ trình độ tiến sĩ (0,13%); 1.285 cán bộ trình độ thạc sĩ (5,28%), 17.167 cán bộ trình độ đại học (70,6%), 3.061 cán bộ trình độ cao đẳng (12,59%), 2.516 cán bộ trình độ trung cấp (10,35%).

Đến nay, hầu hết CBCCVC giữ chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên đều có trình độ trung cấp hoặc cao cấp lý luận chính trị. Trình độ, năng lực đội ngũ CBCCVC đạt tiêu chuẩn về ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nhằm tạo bước đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, với những mục tiêu, giải pháp cụ thể. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức đào tạo 7.020 lượt và bồi dưỡng cho 73.128 lượt CBCCVC; bồi dưỡng tiếng dân tộc (Khmer) cho 2.020 lượt cán bộ.

Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% CBCCVC cấp tỉnh, cấp huyện (không tính viên chức ngành giáo dục, y tế) được đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; 100% CBCCVC cấp xã được đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn và lý luận chính trị theo quy định; 70% Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, 50% cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý, 40% Ủy viên BCH Đảng bộ cấp huyện và tương đương, 30% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương có trình độ chuyên môn sau đại học hoặc đang tham gia đào tạo sau đại học; 100% CBCCVC được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp; 100% cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, 100% CBCCVC đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, bộ phận tiếp xúc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số có khả năng sử dụng thành thạo ít nhất một thứ tiếng dân tộc thiểu số tại địa bàn công tác...

Quang cảnh buổi làm việc của BTV Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Quang cảnh buổi làm việc của BTV Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, tỉnh đề ra các giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh và sự phối hợp giữa Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Trường Chính trị tỉnh, các ngành, các cấp và các cơ sở đào tạo trong khảo sát nhu cầu; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC hằng năm và từng giai đoạn, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có tính khả thi cao. Phối hợp với các cơ sở đào tạo mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC đúng với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Quan tâm cử đi đào tạo sau đại học phù hợp với từng đối tượng; chú trọng đào tạo chuyên sâu những ngành, lĩnh vực cần thiết, mũi nhọn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo điều kiện cho cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo các chương trình, đề án của Trung ương và của tỉnh.

Hai là, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Thực hiện kịp thời các chính sách hiện hành của Trung ương và của tỉnh đối với CBCCVC được cử đi học; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách hiện hành của tỉnh và ban hành một số chính sách mới để thu hút nhân lực và thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của tỉnh. Nâng cao khả năng dự báo, làm tốt công tác lập dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng hằng năm; tăng ngân sách tỉnh cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh; bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống đường truyền kết nối trong thực hiện áp dụng giảng dạy trực tuyến đáp ứng yêu cầu dạy và học theo phương pháp mới.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hoá các hình thức đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch cán bộ, theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; gắn đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp với đào tạo, bồi dưỡng từ thực tiễn. Thực hiện đa dạng hoá các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; các cơ sở đào tạo trong tỉnh chủ động liên kết với các trường đại học, cao đẳng mở các lớp đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học. Đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, tăng cường công tác quản lý, bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là các lớp không tập trung ở các trường trong tỉnh; đa dạng hoá các hình thức giảng dạy, đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để áp dụng hình thức giảng dạy trực tuyến. Thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC gắn với bố trí, sử dụng sau đào tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu có năng lực đề xuất, xây dựng các chính sách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng xây dựng đội ngũ viên chức, giảng viên bảo đảm cơ cấu cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở đào tạo; xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp.

Bốn là, tập trung quán triệt và nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đề cao tinh thần học tập và tự học tập suốt đời của CBCCVC. Mỗi CBCCVC xác định rõ, học tập để đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ quy định cho các ngạch, chức danh lãnh đạo, quản lý; để thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ, công vụ được giao. Các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện và hỗ trợ cho CBCCVC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất